Huế luôn luôn mới
Nhìn từ giải pháp kiến trúc “Hồi sinh bến thuyền ở phố cổ Bao Vinh”
15:04 | 27/11/2013

Một trong hai giải duy nhất của Cuộc thi Tài năng kiến trúc năm 2013 do Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Công ty Asui và Báo Văn hóa Thể thao tổ chức đã thuộc về một giảng viên và sinh viên khoa Kiến trúc Đại học Khoa học Huế. Đó là đồ án “Hồi sinh bến thuyền ở phố cổ Bao Vinh” với những giải pháp kiến trúc hay, nhằm đem lại những không gian công cộng trên những bến thuyền vốn có, gắn kết phố cổ với dòng sông Hương thơ mộng, phát triển tuyến du lịch đường thủy, góp phần hồi sinh một phố cổ Bao Vinh trong nhịp sống hiện đại. 

Nhìn từ giải pháp kiến trúc “Hồi sinh bến thuyền ở phố cổ Bao Vinh”
Phối cảnh không gian cộng đồng tại bến thuyền và nhà tứ giác

Chủ đề của cuộc thi năm nay là “Giải pháp kiến trúc tạo dựng không gian đô thị”, đòi hỏi những người dự thi chọn và phân tích một ví dụ cụ thể ở đô thị Việt Nam cho thấy mối quan hệ giữa kiến trúc công trình và không gian công cộng giữa các tòa nhà, từ đó đề xuất giải pháp cải tạo các phần xây dựng để tạo ra những không gian công cộng có sức hấp dẫn hơn.

Vốn gắn bó với kiến trúc phố cổ Bao Vinh từ quá trình học tập, thực hiện các đồ án tốt nghiệp, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thắng, giảng viên trẻ của Khoa Kiến trúc ĐH Khoa học Huế đã quyết định tham gia cuộc thi này với đề tài “Hồi sinh bến thuyền ở phố cổ Bao Vinh”. La Văn Sơn là sinh viên đã được cô Thắng chọn để cùng tham gia đề tài này với mình.

Phố cổ Bao Vinh, một thương cảng xưa từng gắn kết với dòng sông Hương. Phía bờ sông, khi những dãy nhà chưa mọc lên như hiện nay, là nơi giao thương hàng hóa cập bến. Tại đây, chính quyền Pháp thuộc cho xây dựng 11 nhà tứ giác ngay trên các bến thuyền để thương nhân trung chuyển và cất giữ hàng hóa. Hiện tại phố cổ này còn lại 9 nhà tứ giác, đã được sử dụng với mục đích nhà ở. Những bến thuyền cũ cũng bị lấn chiếm hoặc sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, không còn chức năng vốn có và hầu như không còn vai trò gì trong khu phố cổ. “Mình thực tiếc cho những không gian này, khi mà hiện nay nó trở nên nhếch nhác và không thể phục vụ một hoạt động cộng đồng nào, trong khi có thể cải thiện và tạo ra những không gian đẹp và thân thiện, phù hợp với cuộc sông hiện tại mà vẫn bảo tồn được bản sắc của phố cổ”., KTS Quốc Thắng chia sẻ.

Giải pháp mà KTS Nguyễn Quốc Thắng và cộng sự của chị đưa ra là cải tạo lại nhà tứ giác trên cở sở kiến trúc cũ, làm đẹp thêm với hướng nhìn mở ra phía sông Hương với kinh phí không quá lớn, trở thành nơi bán hàng lưu niệm, giải khát, các dịch vụ phục vụ du lịch, mà lợi ích gắn liền với chủ ngôi nhà hiện nay. Bên cạnh đó, trả lại không gian của các bến thuyền, phục hồi chức năng là nơi trung chuyển hàng hóa nông sản với các địa phương qua ngã ba Sình; phát triển thêm các chức năng là bến thuyền du lịch, đưa đón khách đến với phố cổ Bao Vinh bằng đường thủy. Tham vọng của nhóm tác giả Nguyễn Quốc Thắng là những ngôi nhà mới bên cạnh bến thuyền cũng tham gia cải tạo thành nơi buôn bán phục vụ giải trí và du lịch, gắn liền với lợi ích của người dân phố cổ. Trong vòng 10 năm, sẽ hồi sinh 9 nhà tứ giác và các bến thuyền còn lại tại phố cổ.

Không phá vỡ không gian cũ, gắn liền với lịch sử và văn hóa của một vùng đất và làm đẹp thêm nó, lại giúp người dân cải thiện đời sống kinh tế mà không phải rời bỏ ngôi nhà của mình, khuyến khích họ tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nơi mình đang sinh sống, giải pháp kiến trúc “Hồi sinh bến thuyền ở phố cổ Bao Vinh” của giảng viên trẻ Nguyễn Quốc Thắng và sinh viên La Văn Sơn đã nhận được Giải Khán giả Bình chọn nhiều nhất do Ban tổ chức cuộc thi này tổ chức trên trang mạng Ashui.com, là 1 trong 2 giải chính thức và duy nhất của cuộc thi này, trong số 39 đồ án dự thi.

Đánh giá của BTC cuộc thi cũng cho biết, giải pháp kiến trúc của 2 đồ án được giải không chỉ có giá trị ở địa phương nơi hình thành đồ án, mà còn có thể được ứng dụng ở nhiều địa phương khác nhau trong quá trình tái tạo không gian đô thị sống hài hòa với sự bảo tồn và phát triển.

Theo Nguyên Thu

Các bài mới
Các bài đã đăng