Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố... là nơi cộng đồng dân cư liên kết với nhau trong quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, họ tộc và huyết thống, là nơi thực hiện dân chủ trực triếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của cấp trên giao.
Tỉnh Thừa Thiên Huế có 09 đơn vị hành chính trực thuộc, có 152 đơn vị hành chính cấp xã, có 1.486 thôn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, một số huyện, thị xã do quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch giãn dân, tái định cư hoặc do việc di dân đã hình thành các cụm dân cư mới, được cấp có thẩm quyền phê duyệt (gồm khu tái định cư cho người dân bị mất nhà cửa, thiếu đất sản xuất nông nghiệp do thiên tai, bão lũ hoặc đáp ứng việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội) nên đã hình thành các khu vực dân cư sinh sống ổn định và hoạt động như tổ chức của một thôn. Do vậy, việc thành lập các thôn ở các khu vực này là hết sức cần thiết; nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực và kịp thời nắm bắt được thông tin trong quần chúng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ chính trị cấp trên giao; đồng thời, vận động nhân dân chấp hành đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhằm ổn định phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua việc thành lập 1 tổ dân phố và 3 thôn mới tại huyện Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới và thị xã Hương Trà, cụ thể:
1. Thành lập tổ dân phố mới Vĩnh Hòa, thuộc Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền với 126,19 ha diện tích đất tự nhiên, quy mô 205 hộ và 873 khẩu.
Khu vực này là khu trung tâm thương mại được hình thành và phát triển từ năm 2005 sau khi có chủ trương quy hoạch phát triển khu trung tâm thương mại dịch vụ và di chuyển chợ Sịa cũ kèm với quy hoạch tái định cư xây dựng bờ kè sông Sịa lên khu trung tâm thương mại, dự báo đến 2014 là 275 hộ với 1.268 khẩu.
2. Thành lập thôn mới Pâr Ay, thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới với 37,09 ha diện tích đất tự nhiên, quy mô 105 hộ và 429 khẩu.
Xã Hồng Thủy là một trong những xã nghèo, đặc biệt khó khăn của huyện miền núi A Lưới, xã có đường biên giới với nước bạn Lào và giáp với xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Là một xã miền núi, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, làm nương rẫy; thu nhập chủ yếu là nông nghiệp, canh tác nhỏ lẻ, do đó, đời sống gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, xã Hồng Thủy có địa hình phức tạp, với chiều dài gần 10 km chạy dọc theo sông Đakrông, nên khi mùa mưa đến, lũ đe dọa đến đời sống của nhân dân. Cơn bão năm 2009 tràn qua địa bàn xã để lại hậu quả nặng nề cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân thôn 1, hơn 2/3 số hộ dân bị trôi nhà cửa. Trong 2 năm 2010-2011 thực hiện quyết định của UBND tỉnh, huyện đã khởi công xây dựng cho các hộ bị thiệt hại về nhà ở có nơi ở mới (khu tái định cư Pâr Ay dành cho các hộ mất nhà cửa gồm 06 thôn trên địa bàn xã). Từ cuối tháng 8 năm 2011, khu tái định cư đã được khánh thành; hiện nay, bà con đã chuyển về ở và ban đầu ổn định được cuộc sống. Do mới hình thành và tách biệt một khu tái định cư riêng nên từ khi thành lập đến nay, khu tái định cư vẫn chưa được công nhận là thôn mới, mặc dù xã đã cử Ban điều hành thôn lâm thời.
3. Thành lập thôn mới Xuân Điền Lộc, thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền với 22,175 ha diện tích đất tự nhiên, quy mô 105 hộ và 424 khẩu.
Thực hiện chủ trương về việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để khai thác mỏ đá vôi phục vụ cho Nhà máy Xi măng Đồng Lâm trên địa bàn xã Phong Xuân. Đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã hoàn thành, các hộ dân thuộc thôn Điền Lộc, Quảng Lộc, Quảng Lợi đã được di dời lên khu tái định cư và ổn định cuộc sống. Hiện nay, tuy đã hình thành khu tái định cư nhưng các hệ thống tổ chức chính trị vẫn chưa hình thành; việc quản lý, điều hành dân cư còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
4. Thành lập thôn mới Hòa An, thuộc xã Hương Thọ, Thị xã Hương Trà với 327 ha diện tích đất tự nhiên, quy mô 132 hộ và 596 khẩu.
Cơn lũ lịch sử năm 1999 toàn xã có 681/913 hộ bị hư hại về nhà cửa, đất đai bị sạt lở và hầu hết các hộ gia đình đều bị thiệt hại về tài sản. Theo thống kê thiệt hại có: 255 nhà bị trôi, 132 nhà bị sập, 108 nhà bị hư hỏng; nhà phụ có: 241 nhà bị trôi, 222 nhà bị sập, 50 nhà bị hư hỏng, trên 100 hộ sống ven sông suối bị sạt lở không có đất để ở, nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng nghiêm trọng.
Thực hiện Quyết định đầu tư xây dựng Khu tái định cư Hương Thọ của UBND tỉnh đến nay khu tái định cư này đã có 132 hộ, 596 nhân khẩu. Hiện nay Thôn chưa được thành lập nhưng đã hình thành tổ chức thôn gồm Chi bộ, Trưởng thôn, các ban, ngành, đoàn thể và hàng năm, UBND xã chi ngân sách để trả sinh hoạt phí cho các hoạt động của thôn.
Theo HĐND Huế