Trong 2 năm vừa qua, chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) của Hội Y tế công cộng Việt Nam đã hỗ trợ tích cực cho hai thành phố Huế và Nha Trang xây dựng thành phố không khói thuốc. Bước đầu đạt được những hiệu quả tích cực.
Gần 15 nghìn biển cấm cảnh báo tại các cơ quan, đơn vị
Theo GS.TS. Lê Vũ Anh - Chủ tịch Hội Y tế Công cộng Việt Nam trong hai năm qua chương trình PCTHTL của Hội đã hỗ trợ tích cực cho hai thành phố Huế và Nha Trang xây dựng thành phố không khói thuốc. Chương trình đã tổ chức gần 20 hội thảo dành cho hơn 900 đại biểu là lãnh đạo của UBND thành phố, lãnh đạo các Sở, ban ngành và lãnh đạo các đơn vị liên quan. Ban chỉ đạo PCTHTL 2 thành phố được thành lập với nhiệm vụ lên kế hoạch và tham mưu cho UBND thành phố ban hành những quy định quan trọng trong công tác PCTHTL. Đoàn kiểm tra liên ngành trong công tác PCTHTL (gồm thanh tra các Sở Y tế, Giáo dục, Giao thông, Văn hóa – thể thao & Du lịch, Liên đoàn lao động và Công an thành phố) triển khai kiểm tra hàng tháng, các chiến dịch ra quân lớn hàng quý nhằm giám sát và hỗ trợ hoạt động PCTHTL tại cơ sở.
Trong 2 năm triển khai chương trình, gần 15.000 biển cấm và cảnh báo đã được phát cho các đơn vị, 160 biển báo "Cơ quan không khói thuốc” được treo tại cơ quan công sở và địa điểm công cộng, 3000 biển "Thành phố không khói thuốc” được dán lên các phương tiện giao thông công cộng. Cùng với đó các video clip quảng bá hình ảnh thành phố du lịch không khói thuốc được phát tại các bến xe, nhà ga, siêu thị. Các hoạt động truyền thông, hưởng ứng ngày Thế giới Không khói thuốc và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc hàng năm được tổ chức với quy mô lớn, tạo ấn tượng mạnh mẽ và đồng thuận của cộng đồng địa phương.
Phó chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Đăng Thạnh cho biết, hướng tới xây dựng thành phố Huế thành một trung tâm du lịch an toàn, lành mạnh, thành phố Huế đã tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về thành phố không khói thuốc. Các hội thảo về tác hại của hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động, khuyến cáo của WHO về xây dựng môi trường không khói thuốc và tập huấn nâng cao năng lực của nhóm kiểm tra, giám sát cũng đã được tăng cường… Từ đó, nhận thức của người dân và cán bộ công nhân viên về tác hại của khói thuốc lá được nâng lên rõ rệt, nhiều người đã bỏ thuốc lá hoặc có ý định bỏ thuốc lá.
Nhân rộng mô hình ra các tỉnh, thành phố
Theo kết quả đánh giá vào tháng 1/2014 với hơn 1200 người được phỏng vấn cho thấy một số kết quả tích cực của chương trình. Tỷ lệ nam giới hiện hút thuốc là 39,3%. Tỷ lệ này thấp hơn 8,1% so với kết quả Điều tra toàn cầu về hút thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2010 (47,4%) và giảm 10,1% so với điều tra ban đầu năm 2012 (49,4%). Tỷ lệ người lao động phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc cũng đã giảm xuống đáng kể khi so sánh với thời điểm điều tra ban đầu: tại Nha Trang, tỷ lệ này đã giảm 9,3% (từ 57% xuống 47,7%). Gần như toàn bộ những người biết về Luật đều ủng hộ triển khai Luật này.
Trong giai đoạn tiếp theo, chiến lược phát triển chương trình PCTHTL của Hội YTCC Việt Nam theo GS.TS. Lê Vũ Anh sẽ tập trung vào việc hỗ trợ tăng cường thực thi Luật PCTHTL, trong đó, Hội YTCC Việt Nam sẽ đóng vai trò cơ quan hỗ trợ việc giám sát tình hình thực hiện Luật tại các địa phương. Cùng với đó cung cấp bằng chứng khoa học thông qua việc thực hiện các nghiên cứu/điều tra về tình hình triển khai Luật và các khía cạnh khác trong lĩnh vực PCTHTL. Tiến hành triển khai các mô hình không khói thuốc dựa vào mạng lưới tỉnh hội YTCC trên cả nước, từ đó đưa ra các mô hình và kinh nghiệm triển khai Luật PCTHTL và tiếp tục nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác, góp phần thực thi Luật PCTHTL hiệu quả trên cả nước.
Nguồn daidoanket.vn