Huế luôn luôn mới
Bài toán phát triển du lịch làng cổ Phước Tích
10:07 | 18/03/2014

Làng cổ Phước Tích được bao bọc ba phía bởi dòng Ô Lâu huyền thoại nước luôn trong xanh. Trên con đường thiên lý Bắc Nam, thì dòng sông này đã chứng kiến cảnh Huyền Trân Công Chúa bái biệt nước non Đại Việt để ngàn dặm ra đi về làm dâu Chiêm Quốc. Bây giờ, những ngư dân bên dòng Ô Lâu trong những lần đánh cá vẫn thường nhặt được những hiện vật đồ gốm cổ dưới lòng sông này.

Bài toán phát triển du lịch làng cổ Phước Tích

Sau hơn 5 năm làng cổ Phước Tích đã được nhiều người biết đến. Thế nhưng để Phước Tích là một điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách khi đến TT Huế vẫn còn là một bài toán khó…

Sau 5 năm kể từ khi làng cổ Phước Tích được công nhận là làng di sản với nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế và đặc biệt là chính từ những người dân của làng cổ Phước Tích, làng di sản Phước Tích đã  được du khách trong và ngoài nước biết đến. Thế nhưng việc phát triển du lịch ở đây vẫn còn rất chậm. Theo thống kê của ban quản lý làng cổ Phước Tích, năm 2013, làng đón 1.500 khách du lịch, trong đó lượng khách lưu trú là 114 khách, tổng doanh thu khoảng dưới 150 triệu đồng. Một con số còn quá ít, phải chăng làng cổ Phước Tích chưa hấp dẫn du khách hay người dân Phước Tích chưa mặn mà với việc làm du lịch?

Để góp phần quảng bá, phát triển du lịch tại làng cổ Phước Tích, từ 1/3/2013 một Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích đã được thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh TT- Huế. Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện Phong Điền thực hiện các chức năng tham mưu UBND huyện trong công tác Quản lý về di sản, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia làng cổ Phước Tích; bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, sửa chữa và khai thác có hiệu quả khu di tích nghệ thuật làng cổ Phước Tích theo quy định của pháp luật về di sản; phát huy các giá trị văn hóa vật chất và văn hoá tinh thần thuộc làng cổ Phước Tích, từng bước phục hồi và nâng cao giá trị văn hóa truyền thống của Làng; nghiên cứu các giá trị văn hóa, môi trường, cảnh quan thiên nhiên gắn liền với giáo dục giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa của dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân; khai thác mọi tiềm năng kinh tế, huy động xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản nghệ thuật, văn hóa... Cùng với sự ra đời của Ban quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích thì trước đó, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, các tổ chức quốc tế như JICA- Nhật Bản, Wallonie/Bruxelles ( Vương quốc Bỉ) đã có những dự án để giúp Phước Tích trên một số phương diện: di sản văn hóa vật thể- trùng tu nhà rường, di sản văn hóa phi vật thể- bảo tồn và phát triển nghề gốm đất nung và phát triển du lịch.

Sau khi được thành lập, Ban quản lý làng cổ Phước Tích đã tham gia những buổi xúc tiến du lịch, những hội chợ, Festival làng nghề truyền thống  từ đó mang lại cơ hội quảng bá hình ảnh làng cổ Phước Tích đến với các công ty lữ hành du lịch trong cả nước. Quy chế làm việc giữa Ban quản lý và các dịch vụ du lịch tại làng như dịch vụ ẩm thực, homestay, tham quan nhà rường, dịch vụ xe đạp quanh làng hat thuyền máy đi trên dòng sông Ô Lâu để ngắm phong cảnh làng cổ...Một lớp tập huấn về kinh doanh lưu trú cho nhân viên BQL và người dân làng cũng được tổ chức với sự tham dự của 25 học viên. Điều này cho thấy, chính quyền địa phương và người dân rất muốn Phước Tích trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều du khách. Thế nhưng để ước muốn này trở thành hiện thực là cả một đoạn đường dài đòi hỏi phải có thời gian và cả nhân lực. Trên thực tế, việc quảng bá hình ảnh Phước Tích chưa có chiều sâu và chưa rộng rãi. Du khách chỉ nghe đến tên làng cổ chứ chưa biết nhiều đến những giá trị di sản văn hóa lịch sử của làng cổ này. Cơ sở hạ tầng về du lịch trong làng còn thiếu. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chủ yếu dựa vào tài nguyên du lịch có sẵn, chưa khai thác hết tiềm năng du lịch sẵn có. Đặc biệt là các hoạt động phụ trợ để đáp ứng về nhu cầu ẩm thực, giải trí, quà tặng và nghỉ dưỡng của du khách gần như còn bỏ ngỏ.

Ông Hoàng Tấn Minh, một người dân làng cổ Phước Tích và ông Nguyễn Hồng Thắng- Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích thừa nhận rằng một trong những nguyên nhân làm chậm phát triển du lịch là do người dân ít hưởng lợi khi làm du lịch và nguồn nhân lực để làm du lịch của làng cổ quá yếu khi làng có đến 60% cư dân là người già. Trong làng hiện không có đủ lực lượng trẻ để tham gia đào tạo nghề du lịch cũng như đào tạo nghề gốm truyền thống và các ngành nghề dịch vụ khác... Kỹ năng giao tiếp của người dân đối với du khách còn hạn chế, nhất là đối với du khách nước ngoài. Chưa hình thành được mối quan hệ, hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp hoạt động kinh doanh về du lịch để xây dựng các tour tuyến đưa khách về Phước Tích. Thời gian gần đây, nhiều công ty lữ hành đã đến khảo sát và bắt đầu tổ chức đưa khách về tham quan làng cổ Phước Tích; Công ty Việt Pháp đã liên kết và đầu tư cơ sở vật chất cho 2 hộ gia đình để đón khách lưu trú (home stay). Song, do lượng du khách chưa đến nhiều nên thu nhập của người dân còn hạn chế. Sau 5 năm kể từ khi làng cổ Phước Tích được công nhận là làng di sản với nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế và đặc biệt là chính từ những người dân của làng cổ Phước Tích, làng di sản Phước Tích đã  được du khách trong và ngoài nước biết đến. Thế nhưng việc phát triển du lịch ở đây vẫn còn rất chậm.

Là người trực tiếp thực hiện dự án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng trong phát triển du lịch, nhà nghiên cứu lịch sử và  văn hóa Huế Nguyễn Hữu Thông cho biết: Trên thực tế việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng cổ Phước Tích không hề đơn giản và  đã có nhiều điều xảy ra ngoài dự kiến và hình dung của ông. Nói một cách khác việc đưa làng cổ Phước Tích trở thành một làng văn hóa du lịch đã chuyển động quá  chậm so với mong mỏi của nhiều người. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này có thể kể đến tâm lý của những người dân nông thôn chưa quen nề nếp hợp tác để làm kinh tế; một khía cạnh khác đó là những người có tuổi của ngôi làng này không muốn xáo trộn…”

Phát triển du lịch  cộng đồng dựa vào di sản văn hóa đòi hỏi cả một quá trình lâu dài khi mà những giá trị văn hóa đủ sức lan tỏa và chủ nhân của những giá trị văn hóa đó được đền bù thỏa đáng cho những gì mà họ đã dày công giữ gìn và tôn tạo. Cộng đồng dân cư có quyền và nghĩa vụ tham gia vào các hoạt động du lịch và hưởng lợi ích hợp pháp từ du lịch. Đây là nguyên tắc cơ bản trong định hướng phát triển du lịch bền vững đối với các địa phương. Vấn đề cần quan tâm đó là làm sao Phước Tích trở thành một điểm du lịch mà ở đó ý thức bảo tồn sẽ song hành cùng việc thu lợi từ du lịch ... Hiệu quả kinh tế - xã hội từ các hoạt động du lịch sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, duy trì dân số nông thôn, bảo vệ  và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái,  góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung trong vùng. Việc tổ chức du lịch cộng đồng  phải cần sự tham gia tự nguyện và tích cực từ phía người dân. Bên cạnh đó  cần phải có  sự giúp đỡ của nhà nước và các tổ chức quốc tế trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đào tạo chuyên môn, trang bị kiến thức giao tiếp với du khách thì việc triển khai hoạt động du lịch cộng đồng ở Phước Tích mới có hiệu quả.

 

Nguồn TRT

Các bài mới
Các bài đã đăng