Sáng 19/3, tỉnh TT Huế tổ chức Hội nghị Cán bộ chủ chốt toàn tỉnh lấy ý kiến "Về phương án tổ chức các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh TT Huế".
Với tên gọi thành phố Huế trực thuộc TW, hầu hết các đại biểu đều thống nhất phương án lấy tên là Thành phố Huế. Bởi đây là tên gọi bao hàm cho cả một vùng đất, là một thương hiệu bền vững, đi sâu vào tâm thức, vừa gần gũi, vừa quen thuộc không chỉ với đại đa số người dân và du khách trong nước mà còn là địa danh được thế giới nhắc đến khi nói về Việt Nam.
Qua khảo sát trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của sở Nội vụ, 90% chọn tên gọi thành phố Huế và tại Hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học,100% ý kiến chon tên gọi là thành phố Huế.
Về tổ chức thành lập các đơn vị hành chính sẽ có 2 phương án được đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi. Với các quận nội thị sẽ trên cơ sở thành phố Huế và sát nhập thêm một số xã, phường giáp ranh tùy từng phương án.
Phương án 1 trên cơ sở 27 phường hiện tại của thành phố Huế, sáp nhập thêm phường Thủy Dương và các xã Thủy Bằng, Thủy Vân, Thủy Thanh của Thị xã Hương Thủy; xã Phú Thượng, Phú Mỹ của Phú Vang và triển khai quy trình chuyển các xã lên phường (các xã này có vị trí giáp ranh thành phố và đảm bảo tiêu chí thành phường). Lúc này, khu vực nội thị có 33 phường để chia thành 3 quận. Quận 1 (dự kiến các tên gọi Hương Giang, Vĩ Dạ…) vị trí phía Đông Nam sông Hương, Quận 2 (dự kiến là Nam Giao, Ngự Bình) ở Tây Nam sông Hương và Quận 3 (dự kiến tên gọi Kinh Thành, Thành Nội, Đông Ba, Gia Hội…) phía Bắc sông Hương. Đây là phương án phản ánh được mức độ đô thị hóa hiện nay, không gây xáo trộn nhiều về địa giới hành chính và tính khả thi cao hơn bởi bộ máy hành chính không phát sinh lớn.
Phương án 2 là sẽ thành lập 4 quận, 2 thị xã và 6 huyện. 4 quận sẽ lần lượt ở các vị trí Đông Nam, Tây Nam, Tây Bắc và Đông Bắc sông Hương. Đây là phương án phản ánh được nguyện vọng của đa số các tầng lớp nhân dân về sự phát triển thành phố trong tương lai. Bên cạnh đó hầu hết các thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay ( trừ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội) đều có từ 50% đến 60 % đơn vị hành chính là đô thị. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, chon phương án này sẽ khó khả thi bởi các tiêu chí đánh giá đô thị ở khu vực phía Bắc sông Hương chưa đảm bảo.
Phần lớn các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều nghiêng phương án 1 bởi đây là phương án phản ánh thực chất mức độ đô thị hóa hiện nay, đồng thời không gây xáo trộn nhiều cho các huyện, thị xã giáp ranh; bên cạnh đó, tỉnh cần quy hoạch lại các huyện, thị xã sau khi nhường một số đơn vị hành chính cho khu vực trung tâm, đảm bảo hướng phát triển lâu dài cho các địa phương này.
Hương Bình