Ngày hôm nay- Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã mang tới thông điệp: Hãy yêu thương và chia sẻ. Lẽ dĩ nhiên, là người ai cũng đều mong muốn được hạnh phúc và hạnh phúc gần như là một mục tiêu lớn lao trong mỗi cuộc đời. Nhưng điều đơn giản mà ai cũng hiểu, hạnh phúc không hề và không thể là một mục tiêu. Chẳng ai có thể vươn tới được hạnh phúc, hay nắm giữ nó, bởi đơn giản hạnh phúc không hề tồn tại bên ngoài bản thân mỗi chúng ta.
Hạnh phúc có cái giá của nó và mỗi người chúng ta đều ít nhiều phải trả một cái giá nào đó mới có thể hiểu được. Cho nên hạnh phúc sẽ rất khác nhau trong suy nghĩ của mỗi người. Dù vậy, đi tìm câu trả lời: thế nào là hạnh phúc- không khó.
Vào dịp này, tôi trở lại Huế. Dù đã đi qua nhiều dòng sông, nhưng vẫn không thấy con sông nào thơ mộng và quyến rũ như dòng sông Hương xứ Huế. Về bản chất tự nhiên, sông Hương còn đẹp hơn nhiều dòng sông. Ai đó đã ví dòng sông này như một phụ nữ đẹp, bí ẩn và nguy hiểm, bởi nước sông trong xanh và êm đềm như không hề có sóng, nhưng thực tế đây là con sông sâu với rất nhiều vực thẳm.
Lại nhớ câu thơ của Thu Bồn: "Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Sông Hương là hồn của xứ Huế. Bởi thế, tính cách Huế là tính cách của những người thâm trầm, sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà những ngày này, khi Huế đang tăng tốc chuẩn bị cho mùa lễ festival thì ở hai bên dòng sâu thẳm ấy, người Huế đã giăng khẩu hiệu: Huế- Một quê hương của hạnh phúc.
Chia sẻ với những người làm báo Đại Đoàn Kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Ngô Hòa, chiêm nghiệm: Hạnh phúc là gì? Đó có phải là một cảm giác thoải mái, vui sướng khi những mục đích, yêu cầu đặt ra trong cuộc sống đã làm được. Huế làm được điều đó. Huế có cảnh quan môi trường, có con người thân thiện. Huế còn là nơi di sản của tổ tiên, là nơi trú sở tâm linh của con người. Để xứng đáng là quê hương của hạnh phúc thì diện mạo của Huế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ là: Thành phố di sản, cảnh quan, sinh thái và thân thiện với môi trường.
Thực ra với người Huế- quê hương của hạnh phúc không chỉ là khẩu hiệu, đó còn là một thông điệp đầy tự hào sau 39 năm cố đô này được giải phóng. Tôi nhớ mãi buổi hôm ấy, khi đến thăm nhà rường của họa sĩ Dương Đình Vinh- một trong những người tiên phong về gìn giữ nhà rường Huế và đem nhà rường Huế quảng bá với thế giới.
Trong không gian trầm mặc, hương dạ ly thoang thoảng, ông chủ nhà nồng hậu tự tay nhóm bếp làm cơm đãi khách. Ông bảo, ông rất hạnh phúc. Không hạnh phúc sao được, khi chiến tranh đã lùi xa. Khi bom đạn ì ầm đêm đêm không còn là nỗi ám ảnh. Khi mỗi buổi sáng thức giấc lại háo hức nghĩ hôm nay mình sẽ làm gì. Huế cho ông quá nhiều. Môi trường trong sạch. Con người thân thiện. Và nuôi dưỡng đam mê. Bởi thế ông không bao giờ rời bỏ Huế. Chính vì như vậy nên ông càng không hiểu tại sao nhiều người lại hay "càm ràm” trên mạng xã hội vì mất tự do dân chủ, vì thấy cần phải đấu tranh?
"Chỉ có những ai đã từng trải qua chiến tranh mới biết giá trị của những ngày bình yên đang sống. Hãy thử hình dung một buổi sáng chiến tranh hoang tàn, ở đâu đó xa xa là tiếng còi xe cứu thương chạy về bệnh xá trên đó chở đầy xác người mà trong đó có con, em của chúng ta? Vì thế, đừng "càm ràm” nữa. Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia. Chúng ta đang có những ngày độc lập- tự do- hạnh phúc. Vào bất kì lúc nào, chúng ta cũng có thể tìm ra lý do để cảm thấy không vui. Vậy thì sao chúng ta không đơn giản làm ngược lại. Chọn vui vẻ và hạnh phúc bằng cách sống hết mình trong những ngày bình yên đang có” - ông Vinh chia sẻ.
Không chỉ họa sĩ Dương Đình Vinh, mà có lẽ bất cứ một người Huế nào cũng đều yêu Huế và bình yên trong Huế như thế.
Chị Hoàng Phương Lan, Giám đốc Trung tâm Dân số và kế hoạch hóa gia đình TP Huế, cho biết, nhà chị ở trong khu thành nội. Thành nội là vùng trũng, trong trận lụt lịch sử năm 1999, chị đã phải ngồi trên xà nhà hơn một ngày chờ cứu hộ. Nhưng nhiều năm nay, Huế không còn cảnh lụt lội như vậy nữa nhờ hệ thống cắt lũ trên thượng nguồn và công tác quy hoạch cấp thoát nước của thành phố. Bây giờ, cuộc sống ở bên bờ bắc sông Hương đã quá đầy đủ. Buổi sáng ăn một bát bún Huế hai chục ngàn đồng, uống một ly cà phê 5 ngàn, với những người có thu nhập 10 triệu đồng/ tháng có thể sống một cuộc sống "phong lưu”, không nghĩ ngợi.
"Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh làm gì còn ly cà phê giá 5 ngàn như ở Huế, nước sạch uống ngay tại vòi, làm gì có chuyện để chiếc xe máy cả tuần ngoài cửa mà không bị mất. Hạnh phúc đấy. Hạnh phúc nằm trong chính bản thân mỗi chúng ta. Chúng ta tạo ra nó bằng cách trân trọng tất cả những gì đang có và cân bằng nó trong sự hài hòa”. Đó cũng là "bí quyết” hạnh phúc mà chị Lan chia sẻ.
Những ngày ở quê hương của hạnh phúc- tôi đã hiểu: không có khái niệm duy nhất cho hạnh phúc nhưng để có hạnh phúc thật sự lại rất đơn giản, đó là tự tạo ra hạnh phúc ngay trong chính bản thân mình. Yêu thương và chia sẻ chính là một cách để mang lại hạnh phúc cho mình và cho cả người khác. Từ sơ Nguyễn Thị Tịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật Sơn Ca, hạnh phúc với bà là được nuôi nấng những đứa trẻ mồ côi thành người tử tế. Cho đến người cán bộ Mặt trận Trần Trọng Dương ở xã Hương Hòa, Nam Đông, hạnh phúc với ông là được hiến 1ha đất cho xã xây dựng nông thôn mới…
Huế xứng đáng với tên gọi này. Xứng đáng với những tiêu chí mà từ những năm 1970, Quốc vương của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé nằm ở khu vực Nam Á, phía Đông dãy Himalaya đã đưa chỉ số hạnh phúc để đánh giá sự thịnh vượng của xã hội. Chỉ số này được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Và ít ai biết rằng, Liên Hợp Quốc chọn ngày 20-3 còn là ngày đặc biệt trong năm khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo nên ngày và đêm có độ dài bằng nhau. Ngày này còn là biểu tượng cho sự hài hòa, cân bằng của vũ trụ.
Cân bằng và hài hòa cũng có thể xem như một chìa khóa để mang đến hạnh phúc. Ai cũng có thể làm được. Chỉ là yêu thương và chia sẻ với gia đình, với cộng đồng, với bạn bè, đồng chí… bằng những hành động thiết thực. Hạnh phúc sẽ nhẹ nhàng đến.
Nguồn Đại Đoàn Kết