Huế luôn luôn mới
Sớm nghiên cứu phục hồi Thái Y viện!
10:38 | 28/03/2014

Ngày 26/3/2012, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; trong đó có chỉ tiêu “Hoàn thành phục hồi Thái y viện vào năm 2015”. 

Sớm nghiên cứu phục hồi Thái Y viện!

Để đạt được chỉ tiêu đã đề ra này, Tỉnh ủy đã giao cho ngành du lịch phối hợp với Trường Đại học Y Dược Huế nghiên cứu phục hồi. Tuy nhiên, đến nay, thời gian đã qua gần 2 năm, song vấn đề nêu trên vẫn còn chậm triển khai.

Thừa Thiên Huế có lịch sử phát triển lâu đời về ngành y học cổ truyền (YHCT). Và cho đến nay, hệ thống khám chữa bệnh YHCT từ tỉnh đến huyện, xã ngày càng được phát triển. Tỉnh có 01 bệnh viện chuyên khoa YHCT (100 giường) với 10 khoa phòng, 01 trung tâm châm cứu. Hàng năm, công suất sử dụng giường bệnh tại bệnh viện YHCT tỉnh đạt trên 120%. Các bệnh viện tuyến huyện đều thành lập khoa YHCT với 10 - 20 giường bệnh, có đầy đủ nhân lực y tế, trang thiết bị được tăng cường đầu tư nên chất lượng điều trị bằng y học cổ truyền được nâng cao, tần suất khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngày càng gia tăng. Ước tính, hàng năm, tổng số bệnh nhân nội viện tại khoa Đông Y chiếm khoảng từ 25 - 30% tổng số bệnh nhân nội viện tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện. 100% trạm y tế xã, phường đã có y sỹ YHCT và đã triển khai khám chữa bệnh YHCT bằng châm cứu, dùng thuốc YHCT, bốc thuốc Đông dược. Từ đó, thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng YHCT. Theo thống kê, tổng số ngày điều trị của bệnh nhân ngoại trú tại trạm y tế xã chiếm 60,80% tổng số ngày điều trị ngoại trú toàn tỉnh. Bên cạnh đó, mỗi trạm y tế đều tự xây dựng cho mình một vườn thuốc nam, có từ 30-60 cây thuốc theo danh mục của Bộ Y tế quy định, đặc biệt là những bài thuốc quý của các danh y, ngự y triều Nguyễn đã và đang được phát huy trong khám chữa bệnh

Công tác xã hội hóa hoạt động y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh cũng đã được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 155 Phòng chẩn trị Y học cổ truyển với 452 cán bộ; có 344 hội viên thuộc Hội Đông y, 500 hội viên Hội Châm cứu 3 cấp từ tỉnh đến xã được cấp phép hoạt động; trong đó có nhiều thầy thuốc đông y rất giỏi. Điều này không chỉ giúp giải quyết tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, mà còn kế thừa, phát huy, ứng dụng những phương thuốc hay, bài thuốc quý của các danh y, ngự y triều Nguyễn để áp dụng rộng rãi trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân...

Từ những số liệu trên cho thấy tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ làm tốt công tác bảo tồn nền YHCT có từ lâu đời mà còn phát huy mạnh mẽ những giá trị to lớn của nó trong công tác khám chữa bệnh trong giai đoạn hiện nay. Thế thì tại sao với một vùng đất có bề dày rất lớn về YHCT như vậy nhưng không thể phục hồi lại được Thái Y viện theo như tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy để phục vụ thật tốt hơn nữa công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn mà quan trọng hơn là phục vụ nhu cầu phát triển du lịch?

Đem vấn đề này trao đổi với nhiều thầy thuốc Đông y, chúng tôi nhận được sự trả lời rằng, với đội ngũ đông đảo những thầy thuốc đông y giỏi hiện nay; nhiều bài thuốc quý triều Nguyễn vẫn đang còn lưu truyền và được ứng dụng trong khám chữa bệnh… thì việc thành lập Thái Y viện sẽ không khó.

Một số người khác thì nói rằng: “Nếu như tỉnh ta phục hồi được Thái Y viện thì chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo du khách gần xa đến Huế tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp với khám chữa bệnh bằng YHCT, bởi mục đích người ta đến đó để xem Thái Y viện ngày xưa như thế nào, những bài thuốc ra sao? Nếu chúng ta làm tốt, nhất là mời gọi những thầy thuốc giỏi đến bắt mạch, bốc thuốc thì tiếng tăm du lịch cố đô sẽ ngày càng bay cao bay xa”.

Thời gian từ nay đến năm 2015 không còn nhiều, mong sao các cấp, các ngành liên quan tích cực triển khai việc thành lập Thái Y viện. Một mặt vừa thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra, vừa đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phục hồi, phổ biến các bài thuốc cổ truyền đã sử dụng trong Cung đình để phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân; đồng thời, hình thành một tour, tuyến du lịch mới thật sự hấp dẫn lớn để thu hút du khách gần xa đến tìm hiểu, chữa bệnh.

 

Nguồn HĐND  Huế
 

Các bài mới
Các bài đã đăng