Huế luôn luôn mới
Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản Hán Nôm trong dân gian
14:37 | 23/04/2014

Di sản Hán - Nôm, trong đó bao gồm các văn bản pháp luật, hương ước, gia phả, bài thi hương và sắc phong vua ban cho các dòng tộc, làng xã. Đây là những tài liệu lịch sử quý hiếm và rất cần được bảo tồn gìn giữ.

Là cố đô dưới triều đại phong kiến, Huế chứa đựng kho tàng các hiện vật và tài liệu về Hán Nôm tồn tại trong dân gian, tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều trong số đó bị thất lạc và hư hỏng. Những biến cố lịch sử cùng với việc chưa ý thức được những giá trị của các di sản này của người dân đã phần nào khiến chúng không phát huy được giá trị. Vừa qua với việc triển khai đề tài nghiên cứu: "sưu tầm, số hóa tài liệu Hán - Nôm làng xã tư gia ở TT Huế", đã góp phần cứu vãn được tình trạng này, đồng thời một lần nữa để người dân có cơ hội bảo tồn các di sản của mình.

Đây là 6 sắc phong gốc của vua Gia Long ban tặng cho gia đình vợ là Bà Tống Thị Lan, tức Thừa Thiên Cao Hoàng hậu,  để ca ngợi công đức của bà, người thân trong dòng họ cùng với gia phả gốc của họ tộc. Những hiện vật gốc này là những tư liệu đặc biệt quý hiếm về nội dung, niên đại và chất liệu.

Có hàng ngàn sắc phong tương tự như thế này vẫn đang tồn tại và chưa được công bố trong các tư gia, làng xã, tuy nhiên không phải ai cũng có kiến thức để bảo tồn và gìn giữ một cách nguyên vẹn. Và đáng lo ngại khi một số đã bị mất mát do buôn bán và lưu lạc qua nhiều tỉnh thành, địa phương khác.

Với đề tài nghiên cứu"sưu tầm, số hóa tài liệu Hán - Nôm làng xã tư gia ở TT Huế", một số lượng lớn các hiện vật là tài liệu, sắc phong quý hiếm đã được thư viện tổng hợp TT Huế và thư viện  khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh sưu tầm, số hóa và trả về lại cho các đình làng để thờ tự.

Lễ rước và an vị sắc phong về đình làng được các làng tổ chức trang trọng trong sự trông đợi và háo hức của người dân. Trãi qua nhiều năm lưu lạc, các di sản tài liệu Hán Nôm được tìm thấy đã góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước của thế hệ cha ông, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn và bảo tồn các di sản của mình, đồng thời khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi con dân làng xã.

Sự phối hợp của các cơ quan ban ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương và người dân là cơ sở  để tiếp tục mở rộng phạm vi đi sâu hơn nữa trong bảo tồn tư liệu Hán Nôm trong các dòng tộc, phủ đệ và trong dân cư trên địa bàn tỉnh TT Huế. Kịp thời lưu giữ truyền thống của dòng tộc làng xã, đồng thời phục vụ thiết thực cho nhu cầu nghiên cứu chuyên ngành Hán - Nôm, lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Nguồn VTV Huế
 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng