Xã biên giới Đông Sơn của huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên-Huế) vốn được xem là “rốn da cam” lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế khi nơi đây bị giặc Mỹ rải hàng chục triệu lít chất độc dioxin để hủy hoại sự sống của cây cối lẫn con người. Thế nhưng, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Đông Sơn đã cố nén chặt nỗi đau ấy, biết vực dậy, nỗ lực lao động để đem lại sự hồi sinh kỳ diệu… cho vùng “đất chết” nơi đây...
Hàng chục năm qua, người dân ở xã Đông Sơn vẫn phải sống trong nỗi đau do hậu quả chiến tranh để lại. Trên hết, đó chính là nỗi đau mang tên “chất độc da cam” mà người dân vô tình bị di nhiễm trong quá trình sinh sống; hoặc do lao động cải tạo đất đai để phát triển kinh tế sau khi chiến tranh kết thúc. Trước mức độ tồn đọng quá lớn của chất độc dioxin trên vùng đất Đông Sơn, các nhà khoa học thuộc tổ chức nghiên cứu UB 10.80 của Canada đã đến lấy mẫu kiểm tra và cảnh báo rằng: “Không được sống, canh tác và không được nuôi bất cứ con gì, trồng cây gì ở “rốn da cam” Đông Sơn; bởi tất cả mọi thứ từ đất, nước, cây cối... đều có nồng độ dioxin cao hơn 26 lần mức cho phép”! Thế nhưng, bằng nghị lực và lòng quyết tâm, chính quyền địa phương và người dân Đông Sơn đã từng bước vực dậy để khắc phục những khó khăn mà đôi lúc, tưởng chừng không thể.
Dẫn chúng tôi ra khu vực sân bay A So, điểm chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào tháng 3/2013, ông Hồ Văn Tình, Trưởng Công an xã Đông Sơn, nét mặt đượm buồn khi nhớ lại những ngày tháng khắc khổ của người dân Đông Sơn sống trên khu sân bay A So này.
Ông Tình kể: Ngày ấy, ngôi làng cũ bị bom đạn cày nát, biến thành những hố nước sâu hoắm, loang lổ nên bà con đã chọn trung tâm sân bay A So để dựng nhà cửa làm nơi sinh sống. Thế nhưng không ai biết rằng, sân bay A So là “điểm đen” về chất độc dioxin. Phải đến khi những đứa trẻ đầu tiên chào đời trên mảnh đất ấy với chân tay co quắp, dị hình dị dạng thì người ta mới vỡ lẽ và bắt đầu tìm cách “chạy trốn” khỏi khu sân bay này…
Chỉ tay về bãi đất trống hoang vắng như giữa sa mạc vốn là ngôi làng cũ ngày xưa, ông Hồ Giang Nghinh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn, cho biết thêm: “Để bảo vệ tính mạng người dân và mong muốn những đứa trẻ sinh ra không còn bị dị tật nên năm 2011, chính quyền địa phương lại tổ chức một cuộc di dân lần nữa để đưa bà con sang vùng đất mới sinh sống an toàn hơn. Cũng nhờ cuộc di dân lần ấy mà bà con đã định cư và sinh sống ổn định trên vùng đất mới này cho đến nay”.
Sau khi đến nơi ở mới cách sân bay A So khoảng 1 cây số, trên 300 hộ dân (khoảng 1.325 khẩu) là đồng bào dân tộc thiểu số đã được lãnh đạo xã Đông Sơn bố trí sinh sống tại các thôn như: Loa, Ta Vai, Tru, Ân Sam... Nhờ sự đoàn kết một lòng và sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, cùng chính quyền các cấp nên người dân Đông Sơn đã ra sức thi đua sản xuất, phát triển kinh tế. Giờ đây, bà con dân tộc Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi lại rất đỗi tự hào khi trên vùng “đất chết” nhưng họ vẫn có thể sản xuất được 82ha lúa nước (đạt 40 tạ thóc/vụ); hơn 500ha rừng kinh tế và chăn nuôi gần 1.000 con trâu, bò và dê.
Để giúp bà con tăng gia sản xuất nông nghiệp, thực hiện cơ chế xóa đói giảm nghèo, năm 2005, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 (Quân khu 4) còn tiến hành đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Đông Sơn 3 công trình thủy lợi trị giá 5 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phạm Văn Thực, Đội trưởng Đội sản xuất số 1, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 tâm sự: “Biết người dân Đông Sơn có cuộc sống khó khăn do chịu ảnh hưởng từ chất độc dioxin nên Đội đã xây dựng các mô hình sản xuất thử nghiệm như trồng lúa nước, trồng rừng, ngô cao sản và chăn nuôi gà đồi rồi hướng dẫn, giúp bà con làm theo và đã đem lại hiệu quả thiết thực”.
Đặc biệt, với mong muốn giảm sự tác hại của chất độc dioxin đến cuộc sống của người dân Đông Sơn nên Trung tâm Phát triển tự nhiên và Bảo tồn cộng đồng, thuộc Hội KHKT&LN Việt Nam đã tiến hành vận động trồng 2.000 cây giống bồ kết ngay trên sân bay A So. Đến nay, số cây này đã được người dân nhân rộng, trồng trên diện tích 10ha với 3 vạn cây. Nhìn những thửa đất lồi lõm ngày nào giờ đã thành những ruộng lúa nước, những cánh rừng keo tai tượng phủ xanh các ngọn đồi trọc, từng con đường bê tông thẳng tắp nối vào các con xóm nhỏ với điện, đường, trường, trạm ở xã biên giới Đông Sơn nay có đủ đã thể hiện sự hồi sinh kỳ diệu ở vùng “đất chết” nơi đây. Dẫu rằng, trên mảnh đất này vẫn còn nhiều cuộc đời và số phận bất hạnh phải sống trong nỗi đau do không may bị nhiễm chất độc dioxin!
Chia tay chúng tôi, Trưởng Công an xã Đông Sơn, ông Hồ Văn Tình không khỏi băn khoăn, trăn trở bởi trên địa bàn xã, hiện có trên 60 nạn nhân bị nhiễm chất độc dioxin. “Chỉ mong sao các cấp ban, ngành có sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để giúp đỡ cho các nạn nhân chất độc da cam-dioxin vượt qua nỗi đau thể xác và khắc phục những khó khăn trong cuộc sống, có như thế “nỗi đau da cam” ở Đông Sơn mới được xoa dịu bớt đi phần nào...”, giọng ông Tình chùng xuống. Và tôi hiểu rằng, nỗi lòng của ông Tình cũng là sự mong ngóng, khắc khoải của nhiều hộ dân đã và đang sinh sống ở vùng “rốn da cam” này!
Theo cand.com.vn