Từ trước tới nay, nhiều tài liệu quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được phát hiện, tìm thấy trên địa bàn tỉnh TT-Huế.
Nhằm góp phần bảo vệ, gìn giữ các hiện vật quan trọng mang tính bền vững, phục vụ cho công tác nghiên cứu và lưu truyền cho thế hệ mai sau, công tác số hóa các tài liệu về Trường Sa, Hoàng Sa đang tích cực triển khai. Mới đây, Hồ sơ Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam do nhà nghiên cứu Phan Thuận An sưu tập đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu tại phiên họp thứ hai của Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban "Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương" tổ chức tại Trung Quốc ngày 14-5.
Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính duy nhất của triều Nguyễn (1802 -1945), gồm 773 tập (gần 200.000 tờ). Hầu hết văn bản (tấu, sớ, chiếu, chỉ dụ, truyền...) là bản gốc, được đóng dấu của nhà vua và các cơ quan có thẩm quyền trên mọi lĩnh vực. Với các giá trị nổi bật về mặt nội dung, hình thức và phong cách, hồ sơ Châu bản triều Nguyễn với 21 châu bản liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và cung cấp bằng chứng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trước đó, năm 2009, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã công bố 2 Châu bản được ông phát hiện tại phủ thờ Ngọc Sơn công chúa- nơi gia đình ông đang sống (số nhà 31-Nguyễn Chí Thanh, TP Huế).
Hai châu bản này khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong đó, nội dung của châu bản thứ hai gồm 2 văn bản bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, bản gốc ghi ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (15- 2- 1939) là một bản tấu của Tống lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh dâng lên Hoàng đế Bảo Đại xin phê chuẩn việc tặng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính Khố Xanh vì họ đã có nhiều công lao trong việc dẹp loạn ở miền núi và lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa...
Tiếp đó, nhà nghiên cứu Phan Thuận An phát hiện hình ảnh biển đảo của Việt Nam được khắc trên cửu đỉnh bằng đồng đặt trước Thế Miếu (Đại nội Huế). Thêm một bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam khi các nhà nghiên cứu phát hiện những dòng chữ được khắc ở bốn mặt trên Đại Hồng Chung nặng hơn 450 kg và một bài vị thờ bằng chữ Hán ghi khắc công ơn của vị cai đội Hoàng Sa tại chùa Tiên Linh (xã Lộc Bổn, H. Phú Lộc, TT- Huế). Bản văn tự của làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ (H.Phú Lộc, TT-Huế). Đặc biệt là quyển sách "Hoàng Sa" được xuất bản vào tháng 4-1975 đã phản ánh tình hình biển Đông lúc bấy giờ rất chân xác.
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, hiện trên địa bàn tỉnh TT-Huế còn lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên việc lưu giữ trong dân trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn chất lượng của các hiện vật. Chính vì vậy việc tiến hành số hóa các tài liệu quý này đóng vai trò rất quan trọng. Việc tiến hành số hóa các tài liệu quý về Hoàng Sa và Trường Sa sẽ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa và lịch sử Việt Nam, giúp cho thế hệ con cháu về sau có điều kiện tiếp cận với những nguồn tài liệu về chủ quyền biển đảo quê hương.
Nguồn cand.com.vn