Huế luôn luôn mới
Châu bản triều Nguyễn nhận bằng Di sản Tư liệu Thế giới
09:35 | 31/07/2014

Gần 100 ngàn tờ châu bản sẽ được dịch ra chữ quốc ngữ, số hóa và cung cấp miễn phí cho tất cả những ai quan tâm - đó là ý tưởng được nhắc tới trong lễ đón nhận bằng Di sản Tư liệu Thế giới dành cho Châu bản triều Nguyễn (Hà Nội, 30/7).

Châu bản triều Nguyễn nhận bằng Di sản Tư liệu Thế giới

Trao tấm bằng của UNESCO cho các đại diện Việt Nam, bà Katherine Muller Martin - (Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội) chia sẻ: "Tôi không thể hình dung nổi một sự mất mát nào lớn hơn so việc giới trẻ Việt Nam bị tước cơ hội chiêm ngưỡng lịch sử thông qua những tờ châu bản. Họ là những tác nhân để thay đổi quốc gia trong tương lai, và cần được khuyến khích để trân trọng, tự hào về  quá khứ".

Là những "văn bản hành chính" từ thời Nguyễn, thống kê sơ bộ cho thấy lượng châu bản đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lên tới 85 ngàn đơn vị, trong đó mỗi đơn vị có từ 1-3 tờ. Gần như toàn bộ các châu bản này đều được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.

"Chuyện đáng lo không nằm ở khâu lưu trữ, mà nằm ở khoảng cách đang tồn tại giữa châu bản và độc giả đương đại. Trước đây, đa phần giới nghiên cứu thông thạo Hán Nôm mới quan tâm tới mảng tư liệu này" - ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nhận xét - Nhưng, với những giá trị đặc biệt kèm theo nó, chúng tôi sẽ kiến nghị tìm hình thức sắp xếp phân loại khoa học và khẩn trương số hóa toàn bộ châu bản để các viện nghiên cứu, các sinh viên hay mọi độc giả đều có thể sử dụng miễn phí".

Còn theo ông Hà Văn Huế (Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I), đơn vị này trong thời gian qua đã cơ bản khảo sát và dịch xong kho châu bản đồ sộ này. Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu được xây dựng mới chỉ sử dụng tiếng Việt mà chưa có tiếng Anh và các ngôn ngữ khác nên chưa phục vụ được nhu cầu tra cứu của các độc giả quốc tế. Trong thời gian tới, bên cạnh việc bổ sung các bản dịch tiếng Anh, toàn bộ hệ thống bản dịch tiếng Việt của châu bản (có bản gốc đi kèm) sẽ được đưa lên một trang web riêng để phục vụ nhu cầu truy cập miễn phí của người đọc.

Điều đáng lưu ý, bên cạnh các thông tin văn hóa, lịch sử, xã hội... điểm đặc biệt của Châu bản triều Nguyễn còn là việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - khi có một số châu bản trực tiếp nhắc tới các hoạt động này trong thế kỷ 19.  

Theo Chiêu Minh (Thể thao & Văn hóa)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng