Huế luôn luôn mới
Đầu tư 10.000 tỷ đồng xây cao tốc Cam Lộ - La Sơn
08:21 | 24/10/2014

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tư đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 86 km đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sẽ góp phần nối thông toàn tuyến nhánh đông đường Hồ Chí Minh, đồng thời hoàn thiện một phần tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, khai thác đồng bộ với cao tốc Túy Loan - Cam Lộ với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

 
  
 

Đầu tư 10.000 tỷ đồng xây cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Việc đầu tư đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 86 km đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sẽ góp phần nối thông toàn tuyến nhánh đông đường Hồ Chí Minh 
"Tuyến đường này sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đánh giá.

Theo tính toán, đến năm 2020, Quốc lộ 1 song hành với quy mô 4 làn xe sẽ mãn tải, do vậy cần thiết phải đầu tư hoàn thành đoạn Cam Lộ - Túy Loan để giảm tải cho Quốc lộ 1, đồng thời phát huy hiệu quả toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.

Được biết, trước đây, Bộ Giao thông vận tải đã lập dự án đầu tư với quy mô hoàn chỉnh cao tốc 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn kết hợp với Quốc lộ 1 đã được mở rộng lên 4 làn xe thì sau năm 2025 mới cần cao tốc quy mô 4 làn xe. Do vậy, Bộ GTVT đã nghiên cứu lập Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn I với quy mô 2 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Để giảm gánh nặng trả nợ cho ngân sách Nhà nước, đồng thời bảo đảm tính khả thi cho các dự án BOT Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đang triển khai, chuẩn bị thu phí, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức BT kết hợp BOT.

Đối với phần vốn BOT khoảng 1.700 tỷ đồng (đầu tư từ đoạn Km 85 +850 - Km102 + 200, dài 16 km), thu phí để hoàn vốn, mức phí theo Thông tư số 159/TT - BTC, dự kiến đặt trạm thu phí tại vị trí giao cắt với phía Nam tuyến tránh Tp Huế (Km82+500), thời gian hoàn vốn khoảng 23 năm.

Đối với đoạn BT có tổng mức đầu tư khoảng 8.300 tỷ đồng sẽ đầu tư đoạn từ Km0 - Km70 +350 với thời gian dự kiến trả 10 năm sau khi hoàn thành Dự án (từ năm 2018 - 2027), mỗi năm dự kiến trả khoảng 1.200 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay trong thời gian xây dựng và lãi vay trả chậm). Trong quá trình triển khai, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính để xác định cụ thể nguồn vốn trả cho Dự án.

Theo baodautu.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng