Huế luôn luôn mới
Hiệu quả tích cực từ chương trình trọng điểm phát triển du lịch tỉnh và Festival Huế 2014
08:46 | 10/12/2014

Được xác định là chương trình trọng điểm tập trung chỉ đạo và thực hiện trong năm 2014, chương trình phát triển du lịch tỉnh và Festival Huế 2014 đã gặt hái nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực trong việc phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả tích cực từ chương trình trọng điểm phát triển du lịch tỉnh và Festival Huế 2014
Festival Huế 2014, Thừa Thiên Huế đã đón gần 220.000 lượt du khách

Trong năm, tỉnh Thừa Thiên Huế ước đón 2,9 triệu lượt khách du lịch, (1 triệu lượt khách quốc tế); trong đó khách lưu trú đón được 1,85 triệu lượt (khách quốc tế là 790 ngàn lượt). Doanh thu du lịch ước đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2013. Trong dịp Festival Huế 2014, Thừa Thiên Huế đã đón gần 220.000 lượt khách (tăng 25% so với Festival Huế 2012) trong đó có hơn 100.000 khách quốc tế đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đẩy mạnh công tác quảng bá và kích cầu du lịch

Trong năm 2014, Thừa Thiên Huế đã tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá thông qua nhiều hình thức phong phú, sinh động. Ngay từ đầu năm, đã được triển khai lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, thể thao, các lễ hội truyền thống trên địa bàn như Vật làng Sình, Vật làng Thủ Lễ, Đền Huyền Trân, Điện Huệ Nam, lễ Phật Đản … Đặc biệt là xúc tiến quảng bá du lịch tại các địa phương trong nước và trên thế giới như: tham dự hội chợ quốc tế JATA Travel Showcase tại Tokyo Nhật Bản; hội chợ WTM 2014 London Vương quốc Anh; tổ chức thành công 2 đoàn famtrip gồm các doanh nghiệp lữ hành, báo chí, truyền hình, Hiệp hội Du lịch của địa phương hai đầu đất nước đến khảo sát các tour, tuyến điểm du lịch và các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đặc biệt, ngành du lịch tỉnh chú trọng triển khai có hiệu quả chương trình liên kết 3 địa phương (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam) một điểm đến; hoàn thành kịch bản sản xuất phim ba địa phương để quảng bá trong và ngoài nước; tham gia hội chợ ATF nhằm quảng bá điểm đến du lịch ba địa phương tại Malaysia. Cách làm này đã giúp cho du khách trong, ngoài nước có thêm thông tin, mang lại những kết quả tích cực, góp phần tạo sự tăng trưởng cho ngành du lịch.

Sở VH,TT&DL, sở Công thương, Hiệp hội du lịch, Hiệp hội khách sạn, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã có nhiều gói kích cầu du lịch, "Tuần lễ vàng" du lịch gần như rải đều trong năm, góp phần thu hút lượng khách du lịch đến Huế, đặc biệt trong Festival và trong các ngày lễ lớn.

Theo ông Phan Tiến Dũng – Giám đốc Sở VH-TT&DL: công tác xúc tiến quảng bá du lịch có vai trò quan trọng, là bước đi đầu tiên cần thiết cho phát triển du lịch và cần có sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự chung tay của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cho đến cộng đồng nhân dân. Chính vì vậy, việc xây dựng một chương trình quảng bá xúc tiến du lịch cụ thể là điều hết sức cần thiết.

Theo đánh giá của giới chuyên gia du lịch, Thừa Thiên Huế đang sở hữu những tiềm năng phát triển du lịch mà không phải địa phương nào cũng có được. Đó là không gian du lịch rộng lớn, vùng đất lễ hội, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và tiềm ẩn. Tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, các sản phẩm còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ còn hạn chế... đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch Thừa Thiên Huế.

Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Trên tinh thần đó, ngành du lịch tỉnh tập trung đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đã phối hợp tổ chức tốt nhiều hoạt động hưởng ứng Festival, mở rộng không gian lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, tiêu biểu như: “Hương xưa làng cổ Phước Tích”, “Phong Hải biển nhớ”, “Chợ quê ngày hội”, Lễ hội Sóng nước Tam Giang, Festival Thuận An biển gọi và Lăng Cô Huyền thoại biển… … Thông qua chuỗi sự kiện Festival Huế 2014 và các lễ hội đã phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, củng cố loại hình du lịch MICE.

Đặc biệt các tour du lịch cộng đồng như: tour làng gốm truyền thống ở Phước Tích; tour du lịch cộng đồng ở Cầu Ngói Thanh Toàn; du lịch tiểu vùng sông Mê Công tại A Lưới; tour du lịch làng nghề ở Quảng Điền và phát triển mới nhiều tour du lịch vùng đầm phá… đã làm đa dạng hóa loại hình du lịch. Hoạt động của Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô đã góp phần phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển và loại hình du lịch thể thao mạo hiểm trên biển.

Để xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, an toàn, ngành du lịch cũng đã tăng cường công tác quản lý nhà nước như vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, niêm yết giá dịch vụ; đào tạo nâng cao trình độ cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, lái xe du lịch; duy trì thường xuyên “đường dây nóng” của Ngành, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có thông tin phản ánh; kiểm tra hoạt động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Huế và một số huyện, thị xã để đảm bảo an ninh trật tự, môi trường du lịch, ngăn chặn tình trạng đeo bám khách, nâng giá, ép giá tùy tiện.

Năm 2014, Thừa Thiên Huế đó 1 triệu lượt khách quốc tế

Xứng tầm là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước

Năm 2015, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển du lịch xứng tầm là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước; phấn đấu đón từ 3,1-3,3 triệu lượt khách, trong đó khoảng 2,2 triệu lượt khách lưu trú, doanh thu du lịch tăng 17%. Tổ chức thành công, hiệu quả Festival nghề Huế năm 2015 (chủ đề Tinh hoa nghề Việt) để thúc đẩy phát triển du lịch Thừa Thiên Huế.

Nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục thực hiện chương trình hành động phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 – 2030, trong đó tập trung kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm phát triển du lịch. Phối hợp triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch, tăng cường kêu gọi đầu tư đối với các dự án khu du lịch của tỉnh để sớm đưa vào hoạt động, nhất là đối với các dự án trọng điểm. Xúc tiến quảng bá du lịch, tập trung các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước hiệu quả. Nghiên cứu mở rộng thị trường du lịch đến một số thị trường tiềm năng. Xây dựng các tour du lịch gắn với Festival nghề Huế 2015. Duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Nghiên cứu, khai thác và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mới, khai thác tiềm năng, lợi thế và đặc trưng của địa phương để xây dựng các tour tuyến du lịch hấp dẫn thu hút nguồn khách. Xây dựng mới mô hình du lịch cộng đồng ở một số địa phương như Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền. Đẩy mạnh triển khai các Đề án khai thác phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các đề án phát triển các sản phẩm du lịch trên vùng đầm phá; xây dựng các sản phẩm du lịch “Phố đêm”, “Phố đi bộ”; sản phẩm du lịch đặc thù và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong khu vực lân cận và cả nước.

Theo thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng