Chiều ngày 31/3 tại Duyệt Thị Đường, Đại nội Huế, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố Đô Huế đã tiến hành khánh thành không gian trưng bày và khai trương hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Đến tham dự buổi lễ khánh thành có sự hiện diện của bà Đoàn Thị Thanh Huyền, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Cái Vĩnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ; ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố Đô Huế cùng nhiều vị khách quý, cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Lễ cắt băng Khánh thành nhà hát |
Được xây dựng vào năm 1826, Duyệt Thị Đường là nhà hát dành riêng cho vua và triều đình thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đây cũng là nhà hát cổ xưa nhất được biết đến của Việt Nam.
Không gian trưng bày các nhạc cụ |
Qua gần 200 năm, nhà hát đã chịu thiệt hại khá nặng nề do nhiều nguyên nhân và đã được tu bổ nhiều lần từ năm 1995 đến năm 2002.
Tiết mục Đại nhạc trên sân khấu chính của nhà hát |
Trong đợt nâng cấp này, nhà hát đã cải tạo phần sân khấu; chỉnh trang nội thất và làm mới hệ thống trưng bày nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống của Cố Đô Huế.
Một số cảnh trong vở tuồng Ngũ biến vô hình (Thiện trong ác) |
Tiết mục múa Vũ phiến (múa quạt) thường được diễn trong đại tiệc mừng tân hôn của hoàng hậu, phi tần, công chúa. |
Chắc chắn rằng, sau đợt nâng cấp chỉnh lí này, Duyệt Thị Đường sẽ phát huy vao trò bảo tồn di sản Huế đặc biệt là Nhã nhạc, Tuồng cung đình và múa cung đình. Đồng thời, nhà hát này sẽ trở thành một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn trong hành trình của du khách khi đến với Hoàng cung Huế.
Một số tranh ảnh, hiện vật ở khu vực trưng bày trong Duyệt Thị Đường:
Rất nhiều loại mặt nạ khác nhau được trưng bày |
Trang phục múa cung đình |
Diễn viên tuồng cung đình |
Tranh vẽ về một buổi diễn tuồng của họa sĩ Frederic Baile, Pháp |
Nhật Hoàng