Huế luôn luôn mới
Chính phủ Pháp trao tặng huân chương Cành cọ Hàn lâm cho nhà văn - dịch giả Bửu Ý
23:46 | 04/05/2015

SHO - Chiều 4/5, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Jean Noel Poirier đã thay mặt chính phủ Pháp trao Huân chương Quốc công cho ông Nguyễn Văn Mễ - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế; trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm cho nhà văn - dịch giả Bửu Ý tại hội trường khách sạn Sài Gòn-Morin TP Huế. 

Chính phủ Pháp trao tặng huân chương Cành cọ Hàn lâm cho nhà văn - dịch giả Bửu Ý
Đại sứ Jean Noel Poirie trao tặng huân chương Cành cọ Hàn lâm của Bộ trưởng bộ Giáo dục Quốc dân cho nhà văn - dịch giả Bửu Ý

Ông Nguyễn Văn Mễ và nhà văn - dịch giả Bửu Ý là 2 người tiên phong trong việc thiết lập và xây dựng mối quan hệ bền chặt giữahai nước Việt - Pháp nói chung và tỉnh Thừa Thiên-Huế với Pháp nói riêng về nhiều mặt: văn hóa, chính trị, giáo dục, y tế... 

Ông Jean Noel Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, đọc diễn văn ghi nhận công lao của chính phủ Pháp cho hai ông Nguyễn Văn Mễ và nhà văn - dịch giả Bửu Ý

Ông Nguyễn Văn Mễ từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau như Chủ tịch UBND thành phố Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông đã có nhiều đóng góp cho quan hệ hợp tác hai nước như: kí quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa Pháp tại Huế; đặc biệt Pháp là đối tác chính đồng thực hiện chương trình Festival Huế, đến nay đã trở thành một dấu ấn riêng, đặc sản riêng của Huế.

Trong nhiệm kì của mình, ông góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Pháp không ngừng được củng cố và phát triển trong hàng chục năm qua và đã đem lại nhiều quả ngọt ở vùng đất cố đô thông qua việc hai bên cùng thực hiện dự án cải tạo lưới điện ở thành phố Huế và nâng cấp nhà máy nước Huế; trùng tu tôn tạo một số di tích văn hóa lịch sử; hỗ trợ tái định cư dân vạn đò trên sông Hương, thúc đầy phát triển du lịch; cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo nhân lực cho các trường Đại học, bệnh viện, các đơn vị xây dựng và quản lí đô thị. Đặc biệt, Đại học Y- Dược Huế là trường đại học có tới hơn 120 bác sĩ được đào tạo tại Pháp.

Trong đó một sản phẩm hợp tác đã góp phần nâng tầm vị trí của thành phố cố đô là Festival quốc tế đã được tổ chức có nề nếp hai năm một lần từ Festival nghệ thuật Việt - Pháp lần đầu tiên được tổ chức tại Huế vào năm 1992 và việc hình thành các trung tâm trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng, nơi hội tụ của những thành tựu giao lưu văn hóa Việt Pháp.

Ông Nguyễn Văn Mễ - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đọc diễn văn đáp từ

Cũng trong chương trình, Giáo sư - dịch giả Bửu Ý cũng đã đón nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục quốc dân Pháp. 

 
Nhà văn - dịch giả Bửu Ý đọc diễn văn đáp từ
 
    Nhà văn, nhà giáo, dịch giả Bửu Ý tên đầy đủ là Nguyễn Phước Bửu Ý, sinh năm 1937 tại Huế. Ông là một nhà văn, nhà nghiên cứu Huế, là người luôn tự nhận mình là tín đồ của “ca Huế”, là một nhà giáo đầy uy tín trong và ngoài nước và là một dịch giả nổi tiếng. 
     Những năm trước 1975, nhà văn Bửu Ý là cây bút có uy tín được bạn đọc hâm mộ với rất nhiều các bài viết trên các Tạp chí Mai, Văn, Diễn đàn, Phố Văn... Bạn đọc thời đó đã rung động với nhiều trang chuyển ngữ của dịch giả Bửu Ý, trong đó nhiều cuốn trở thành sách “gối đầu giường” của bao thế hệ yêu văn học người Việt như cuốn “Đứa con đi hoang trở về” (Le retour de l’enfant prodigue, 1907) của André Gide, “Vỡ mộng” (Isabelle, 1911) của André Gide, “Dostoievski” (Dostoievski, 1923) của André Gide , “Bọn làm bạc giả” của André Gide (Nobel 1947); “Chúa tể đầm lầy” (Le Roi des Aulnes, 1970) của Michel Tournier; “Con lừa và tôi” (Platero y yo, 1914 ) của Juan Ramón Jiménez (Nobel 1956); “Thư gửi con tin” (Lettre à un otage, 1943) của Antoine de Saint-Exupéry…

 Dịch giả Bửu Ý là một người am hiểu văn hóa Pháp.  Ông từng là Trưởng khoa tiếng Pháp của Trường Đại  học Sư phạm Huế, giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp  tại Huế. Ông từng sang Pháp làm giảng viên thỉnh giảng  tại đại học Paris VII và là người dịch nhiều tác phẩm văn  học Pháp sang tiếng Việt.

 Trong diễn văn đáp từ của mình, ông nhấn mạnh: “Phải  trồng trọt mảnh vườn của mình” là lời căn dặn của Von  Taire. Phải chi đó trở thành công ăn việc làm, trở thành  luôn một thói quen càng ngày càng lớn mạnh và trù phú.  Trồng trọt vườn mình tức là yêu lấy nó, là cho nó, đơm  hoa kết trái.. Mảnh vườn của khối tiếng Pháp, người Việt  Nam chúng tôi lâu nay không ngừng trồng trọt..."

 
Bằng khen của chính phủ Pháp

Ngày nay, tỉnh Thừa Thiên Huế và Pháp luôn phấn đấu xây dựng một mối quan hệ bền chặt từ nhiều năm qua. Cả hai đã cùng nhau hợp tác thực hiện nhiều dự án lớn. Pháp cũng là một trong những nước tạo điều kiện thuận lợi trong việc đào tạo nhân lực; cải thiện môi trường, cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ khoa học kỹ thuật...

Nhật Hoàng

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng