Nhân kỷ niệm 130 năm ngày thất thủ Kinh đô và khởi phát Phong trào Cần Vương; sáng ngày 21/7/2015, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học: Biến cố Kinh đô Huế và phong trào Cần Vương. Đến dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Biến cố Kinh đô Huế năm 1885 là một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, kết thúc thời kỳ tự chủ kéo dài 485 năm của các vương triều phong kiến Việt Nam (1427-1885), chấm dứt vai trò của nhà Nguyễn với tư cách là một nhà nước có chủ quyền thực hiện cuộc chống Pháp và mở ra một phong trào yêu nước của nhân dân rộng khắp, kéo dài hơn mười năm dưới danh nghĩa Cần Vương. Sự kiện Huế - 1885 xứng đáng trở thành mốc lịch sử mở đầu thời cận đại Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng về ý nghĩa của chủ đề này, nên Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của giới sử học trong cả nước, các trường đại học, học viện, các hội Khoa học Lịch sử… như trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), Đại học Sư phạm Hà Nội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hồ Chí Minh), trường Đai học Sư phạm và Đại học Khoa học (Đại học Huế), Đại học Phú Yên, Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), Học viện Hành chính Khu vực III (Đà Nẵng), Hội Khoa học Lịch sử các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và thành phố Đà Nẵng…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Đỗ Bang nhận định: Đây là Hội thảo chuyên đề với quy mô quốc gia đầu tiên về một chủ đề vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn đối với Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương trên cả nước với sự tham gia của 30 tác giả và 23 bài nghiên cứu được in trong kỷ yếu. Đây là những công trình được các tác giả đã công phu sưu tầm tài liệu để có những đóng góp mới không ngững nâng cao nhận thức về vấn đề được nhiều người quan tâm mà còn tìm tòi, phát hiện các di tích, di vật có liên quan để định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thời Cần Vương.
04 nhóm chủ đề được trình bày tại hội thảo gồm: Thất thủ kinh đô; Phong trào Cần Vương; Một số nhân vật tham gia trong biến cố Kinh đôHuế và phong trào Cần Vương; Di sản và vấn đề bảo tồn. Tại Hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận về một số vấn đề liên quan như: mục tiêu Pháp đánh chiếm Kinh đô Huế và hậu quả của nó; Vai trò của vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và các nhân vật khác trong biến cố Kinh đô Huế và phong trào Cần Vương; Nguyên nhân thất bại của cuộc tập kích quân Pháp tại kinh thành Huế và phong trào Cần Vương; Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy tác dụng các di tích, di vật liên quan đến biến cố Kinh đô Huế và phong trào Cần Vương tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh có liên quan…
Theo thuathienhue.gov.vn