Ngày 10/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND TP Huế đã tổ chức lễ đón nhận bằng di tích quốc gia “Di tích khảo cổ học Thành Lồi”.
Theo các nhà nghiên cứu, Thành Lồi là một thành lũy quân sự của người Chăm, tọa lạc trên đồi Long Thọ, ngày nay thuộc địa phận phường Thủy Xuân và phường Thủy Biều và một phần phường Phường Đúc - TP Huế.
Thành Lồi có dạng hình vuông, chu vi dài khoảng 2km với cấu trúc khép kín 4 mặt, lũy thành nằm theo các hướng Tây – Nam – Đông – Bắc. Quy mô Thành Lồi tương đối lớn, được đào đắp, xây dựng kiên cố, lợi dụng triệt để địa thế tự nhiên (có sông Hương làm hào chắn) tạo nên một công trình phòng thủ vững chắc.
Theo ông Cao Huy Hùng, giám đốc Bảo tàng Lịch sử - cách mạng Thừa Thiên - Huế, Thành Lồi thể hiện nét độc đáo trong nguyên lý và cách thức xây dựng thành trì của người Chăm xưa là lợi dụng triệt để lợi thế tự nhiên để xây đắp thành cũng như phát huy sở trường chiến đấu trên nước để chống lại sự tấn công bên ngoài. Các thành lũy của người Chăm ở khu vực Huế như như Thuận Châu, Hóa Châu đều tọa lạc ở vùng đồng bằng thì Thành Lồi lại được xây dựng ở vùng bán sơn địa.
Theo Gia Hưng (TTO)