Huế luôn luôn mới
Thừa Thiên Huế: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận
09:05 | 14/10/2015

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định số 2101/QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2015 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận.

Thừa Thiên Huế: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận

Theo đó, khu vực lập quy hoạch (tỷ lệ 1/2000) ở phía Tây Nam thành phố Huế, thuộc địa giới hành chính phường Thủy Xuân, phường Thủy Biều – thành phố Huế và xã Thủy Bằng – thị xã Hương Thủy, có ranh giới cụ thể: phía Đông giáp ruộng lúa và khu vực dân cư phường Thuỷ Xuân; phía Tây giáp sông Hương; phía Nam giáp đường Quốc lộ 49A và khu vực ruộng lúa thuộc xã Thuỷ Bằng, thị xã Hương Thuỷ; phía Bắc giáp đường Lê Ngô Cát hiện trạng và đoạn dự kiến nối dài về phía phường Thủy Biều. Diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 219 ha.

Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận có tính chất là khu vực sinh thái cảnh quan, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích văn hoá lịch sử. Là khu văn hóa, tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch, ngắm cảnh, nghỉ ngơi, đồng thời kết hợp chỉnh trang các khu ở, làng vườn gắn kết với du lịch sinh thái cảnh quan.

Về giải pháp tổ chức không gian, quy hoạch kiến trúc của Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận có các phân khu chức năng chủ yếu sau:

Các khu vực lăng tẩm bảo tồn (lăng Tự Đức, Đồng Khánh...): Tuân thủ theo các quy định về khoanh vùng bảo vệ di tích; Tạo dựng các vùng đệm bằng hệ thống cây xanh, vùng sinh thái nông nghiệp;

Khu vực núi Bàu Hồ: Phần đất ven sông Hương trước mắt, khoanh vùng không mở rộng phạm vi khu vực chôn cất, từng bước di dời nghĩa địa, dành quỹ đất dự kiến xây dựng các điểm ngắm cảnh, thư giãn, du lịch sinh thái, sinh hoạt cộng đồng, cây xanh cảnh quan... (dạng quỹ đất sử dụng hỗn hợp) cũng như đất cho các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật (mở rộng nhà máy nước Vạn Niên); Phần đất phía Bắc núi bố trí các khu dịch vụ, du lịch sinh thái có mật độ xây dựng thấp, khai thác các giá trị kiến trúc truyền thống mang nét đặc trưng Huế;

Khu vực đồi Vọng Cảnh: Là khu công viên phục vụ các hoạt động như đi dạo, ngắm cảnh, nghỉ ngơi, kết hợp làm điểm dừng lí tưởng cho các chuyến du lịch đường bộ cũng như đường thủy dọc sông Hương. Tại đây cũng có thể tổ chức các hoạt động cắm trại, sáng tác nghệ thuật, giao lưu văn hóa... Công trình kiến trúc xây dựng tại khu vực này chủ yếu là các chòi nghỉ, chòi ngắm cảnh trên các điểm nghỉ, điểm dừng và các công trình kiến trúc trang trí nhỏ mang tính sinh thái;

Các khu vực tổ chức du lịch, dịch vụ: Phía Bắc núi Bàu Hồ dự kiến bố trí các dự án làng du lịch. Phía Đông Bắc đồi Vọng Cảnh tổ chức bãi đỗ xe tập trung kết hợp khai thác dịch vụ quy mô nhỏ.

Các khu cây xanh vùng đệm, cây xanh phòng hộ cảnh quan: Xung quanh khu vực lăng tẩm tổ chức cây xanh vùng đệm bảo vệ di tích. Dọc hai bờ sông Hương, khe Bối, các khe tụ thủy, xung quanh các hồ nước tổ chức trồng cây xanh tạo cảnh quan;

Ngoài ra còn có các khu ở như: khu dân cư dọc đường Lê Ngô Cát, Huyền Trân Công Chúa, Đoàn Nhữ Hài; khu dân cư phía Nam đồi Vọng Cảnh; khu dân cư phía Đông khu vực quy hoạch; khu dân cư phía Nam khu vực quy hoạch thuộc xã Thuỷ Bằng…

Quy hoạch nêu rõ, mật độ xây dựng gộp (brut-tô) toàn khu vực quy hoạch: ≤30 %; việc xây dựng công trình trong khu vực đảm bảo hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới hệ thống di tích, không che chắn tầm nhìn từ đồi Vọng Cảnh và núi Bàu Hồ tới sông Hương. Tổ chức không gian kiến trúc có Hệ thống cây xanh; Hệ thống điểm nhìn; Hệ thống đường dạo, chòi nghỉ; Hệ thống nhà vệ sinh công cộng...

Quy hoạch cũng nêu lên các hạng mục ưu tiên đầu tư đó là triển khai xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, trong đó ưu tiên các tuyến đường liên khu vực kết nối các điểm tham quan như: đường Huyền Trân Công Chúa, đường Đoàn Nhữ Hài...; Đồng thời mở rộng một số đường kiệt hiện có để thuận tiện cho việc khai thác du lịch cảnh quan với loại hình nhà vườn ven sông và khai thác các dịch vụ trên cơ sở phát huy thế mạnh về đặc sản trái cây vườn Huế. Chỉnh trang các khu dân cư hiện trạng; Có kế hoạch xây dựng khu tái định cư phục vụ di dời các hộ gia đình thuộc diện giải tỏa. Tổ chức thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích đã được xếp hạng; Xây dựng các các bãi đỗ xe ở các khu vực lăng tẩm, di tích lịch sử - văn hóa. Sớm đầu tư hoàn thiện một số dự án du lịch dịch vụ trong khu quy hoạch.

Theo Dư địa chí Thừa Thiên Huế cho biết: Đồi Vọng Cảnh là một ngọn đồi cao 43m ở phía Tây Nam thành phố Huế, chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương. Nó tọa lạc giữa vùng lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn và đối diện với điện Hòn Chén được thiết lập từ thời xa xưa ở phái đối ngạn. Ở quanh quất cách đồi Vọng Cảnh khoảng năm bảy trăm mét là lăng Đồng Khánh, lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị, lăng Hiếu Đông (vợ vua Minh Mạng), lăng Xương Thọ (của bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị), lăng bà Thánh Cung (vợ vua Đồng Khánh), lăng bà Từ Cung (vợ vua Khải Định), lăng Hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long), v.v... Cách đồi Vọng Cảnh khoảng 300m về phía hạ lưu là Nhà máy nước Vạn Niên.

Đứng trên đồi Vọng Cảnh, người ta có được một cái nhìn bao quát đối với nhiều di tích cổ kính và những cảnh đẹp tuyệt vời ở một không gian thiên nhiên rộng lớn chung quanh, đặc biệt nhất là vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Hương. Ngọn đồi nằm giữa một khúc uốn mềm mại, dịu dàng và hấp dẫn nhất của dòng sông nổi tiếng đa tình và gợi cảm này. Đây là nơi sông núi xích lại gần nhau để tạo ra một không gian sơn kỳ thủy tú. Ý nghĩa của địa danh Vọng Cảnh là như vậy.


Nguồn hình ảnh: Hues.vn

Theo reic.info

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng