Huế luôn luôn mới
Không thể đưa thuế XK sản phẩm từ cát thạch anh về 0%
08:57 | 16/10/2015

Gửi kiến nghị tới Bộ Tài chính, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Việt Phương và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị đưa một số sản phẩm chế biến từ cát thạch anh xuống 0% để hỗ trợ sản xuất. Song, Bộ Tài chính cho biết, điều đó vượt thẩm quyền của cơ quan này đồng thời đưa ra mức dự kiến điều chỉnh là 5%.

Không thể đưa thuế XK sản phẩm từ cát thạch anh về 0%
sản phẩm được chi tiết thành 1 dòng thuế riêng gồm: SEPASIL TFT 6; SIKRON SV 300, SIKRON SV 500 VÀ SIKRON SV 800. Ảnh: internet.

Hỗ trợ dự án khả thi cao

Dẫn kiến nghị của doanh nghiệp và địa phương, Bộ Tài chính cho biết: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến bột thạch anh siêu mịn ít sắt chất lượng cao do Liên doanh Công ty CP Tập đoàn đầu tư Việt Phương và Công ty TNHH Quarzwerke (CHLB Đức) làm chủ đầu tư.

Dự án được thực hiện tại Khu công nghiệp Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng vốn đầu tư là 630 tỷ đồng. Công suất giai đoạn đầu là 102.000 tấn/năm và tiến tới 132.600 tấn/năm.

Sản phẩm của dự án gồm 4 loại: SEPASIL TFT 6; SIKRON SV 300, SIKRON SV 500 VÀ SIKRON SV 800. Đây là các sản phẩm chế biến công nghiệp, có hàm lượng công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao hơn từ 10 đến 40 lần so với nguyên liệu đầu vào, được sản xuất phục vụ cho các khách hàng sản xuất thủy tinh nền cho màn hình cảm ứng TFT/LCD hoặc dùng cho ứng dụng E&E (điện và điện tử như cách điện trung thế và vỏ bọc đồng (CCL)).

Theo đánh giá của doanh nghiệp, dự án này mang lại nhiều hiệu quả về mặt xã hội cho tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như ngành công nghiệp cát thạch anh và sẽ trở thành dự án trọng điểm và thu hút nhiều nhà đầu tư sản xuất công nghiệp khác tiêu thụ sản phẩm, từ đó góp phần kéo dài chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm.

Tuy vậy, phân tích hiệu quả kinh tế của dự án, nếu áp thuế xuất khẩu 30%, 20% hay 10% , dự án sản xuất sẽ bị lỗ với tỷ suất hoàn vốn nội bộ là âm sau 10 năm. Chỉ với mức thuế xuất khẩu 0%, sau 10 năm, tỷ suất lợi hoàn vốn nội bộ của doanh nghiệp mới đạt 4,5%.

Với những ưu thế và khó khăn đó, doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho 4 sản phẩm của dự án (gồm SEPASIL TFT 6; SIKRON SV 300, SIKRON SV 500 VÀ SIKRON SV 800) được hưởng chế độ là sản phẩm chế biến công nghiệp có mức thuế xuất khẩu là 0% để hỗ trợ giai đoạn đầu hoạt động của dự án.

Đồng tình với kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính cho hay: Nhà máy chế biến của liên doanh được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của châu Âu. Sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, được chế biến sâu khử từ tính, đáp ứng tiêu chuẩn rất khắt khe. Tất cả các sản phẩm đều chưa được sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, dự án mang lại rất nhiều hiệu quả về mặt xã hội cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

Do đó, UBND tỉnh đề nghị cho phép dự án được áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định đối với lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và áp dụng mức thuế xuất khẩu 0% đối với 4 sản phẩm của dự án.

Giảm từ 30% xuống 5%

Phân tích vấn đề này, theo Bộ Tài chính, theo Nghị quyết 710/2008/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khung thuế suất thuế xuất khẩu của mặt hàng cát thạch anh (nhóm 25.05) là 5-30%. Bộ Tài chính đã cụ thể hóa mức thuế xuất khẩu của mặt hàng này là 30% trong Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC.

Với Biểu thuế xuất khẩu hiện hành, 4 sản phẩm chế biến từ cát thạch anh mà doanh nghiệp nêu trên cũng sẽ được phân loại chung vào mã hàng 2505.10.00 của "Cát oxit silic và cát thạch anh" và áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu là 30% như cát thạch anh thô xuất khẩu.

Như vậy, mức thuế suất thuế xuất khẩu thấp nhất đối với nhóm cát thạch anh và sản phẩm được chế biến từ cát thạch anh hiện nay là 5% nên việc đưa thuế xuất khẩu về 0% đối với 4 sản phẩm của dự án là vượt thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Thống nhất với đánh giá của địa phương, Bộ Tài chính cho rằng: Dự án được đặt tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Nếu thành công, dự án sẽ mang hiệu quả về mặt xã hội cho huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế và sẽ có nhiều hiệu ứng tích cực, có tác động thu hút nhà đầu tư nước ngoài thành lập nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam để sử dụng 4 sản phẩm của dự án cũng như thu hút các doanh nghiệp phụ trợ phục vụ cho hoạt động của dự án.

Hơn thế nữa, hiện nay, trên thế giới mới có 2 nhà máy sản xuất được các sản phẩm này là Sibeco (Đài Loan) và SAC (Hàn Quốc). Nếu dự án sản xuất thành công 4 sản phẩm thì sẽ là nhà máy thứ 3 trên thế giới sản xuất được sản phẩm này để xuất khẩu và cạnh tranh với các nước trong khu vực. Vì vậy, theo Bộ Tài chính, cần có chính sách hỗ trợ cho dự án trong giai đoạn đầu mới đi vào sản xuất và đang tìm kiếm thị trường.

Vì vậy, để khuyến khích liên doanh thực hiện dự án tại Thừa Thiên Huế, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung thêm dòng thuế chi tiết cho 4 mặt hàng nói trên tại phân nhóm 25.05 và áp dụng mức thuế 5% bằng với mức thấp nhất trong khung quy định của Quốc hội.

Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến thêm một số cơ quan liên quan về dự kiến này trước khi chính thức đưa ra quyết định điều chỉnh.

Theo baohaiquan.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng