Huế luôn luôn mới
Thuyết trình “ Hành trình đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương thời Quang Trung ở Huế”
09:03 | 16/11/2015

Chiều ngày 15/11/2015, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã có buổi thuyết trình “ Hành trình đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương thời Quang Trung ở Huế”. Buổi thuyết trình do tạp chí Sông Hương đứng ra tổ chức. 

Thuyết trình “ Hành trình đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương thời Quang Trung ở Huế”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân

Tại buổi thuyết trình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã cho công bố toàn bộ những tư liệu mà ông thu thập được qua các văn bản cổ cũng như những cuộc điền dã nghiên cứu  của bản thân trong 30 năm qua về dấu tích cung điện Đan Dương thời Quang Trung ở Huế.

Lăng mộ Quang Trung bị vua quan nhà Nguyễn quật phá vào tháng 11 Tân Dậu (1801), 6 tháng sau khi Nguyễn Ánh lấy lại được Phú Xuân. Từ đó, lăng mộ của ông ở đâu, không một ai biết. Việc tìm lại được địa điểm  lăng mộ của Quang Trung là sự quan tâm trăn trở của nhiều thế hệ các  nhà nghiên cứu. Có người đã bỏ ra 15- 20 năm, thậm chí có người đã bỏ ra cả đời để theo đuổi một giả thuyết về lăng mộ Quang Trung. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, các kết quả nghiên cứu vẫn đang còn được tranh luận.  Đã có nhiều giả thuyết về vị trí lăng mộ Quang Trung được đặt ra như: lăng Ba Vành ở làng Cư Chánh, lăng mộ  Quang Trung ở Bình Thuận, thậm chí mới đây còn có giả thuyết cho rằng lăng mộ Quang Trung nằm ở Nghệ An … Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân qua tìm tòi trong thư tịch thì khẳng định: chùa Thiền Lâm và Cung điện Đan Dương lúc bấy giờ ở gần nhau, và toạ lạc vào phạm vi khu vực gò Bình An ( khu vực có đường Điện Biên Phủ cắt qua ngày nay) và xác định được vị trí Huyền cung ( nơi đặt quan tài) của vua Quang Trung toạ lạc ở khu vực này hiện đang là nhà ở của 2 hộ dân ở đường Điện Biên Phủ (Theo  kết quả khai quật thám sat ngày 17.12.1988 ). Phát hiện của Nguyễn Đắc Xuân đã gây bất ngờ lớn trong dư luận những năm 1980 -1990 .Những luận chứng của Nguyễn Đắc Xuân và quá trình tìm tòi của nhóm ông đã được ghi lại trong cuốn Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung (Viện Sử học,1992 ) .Mới đây ,ông lại cho xuất bản cuốn: Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương-Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung (NXB Thuận Hoá , Huế 2007 ), với nội dung phong phú hơn .

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương - phát biểu đề dẫn tại buổi thuyết trình

 

Phát biểu tại buổi thuyết trình, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương - cho biết: "Qua những giả thuyết được dư luận quan tâm, được nghiên cứu công phu nhất, dư luận vẫn cho thấy rằng chưa có giả thuyết nào đủ thuyết phục. Với những người chuyên chú làm văn học nghệ thuật – văn hóa như Tạp chí Sông Hương, chúng tôi xin bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần tìm tòi nghiên cứu của các tác gỉa và các nhóm nghiên cứu về đề tài lăng mộ Quang Trung trong hàng chục năm qua. Việc tổ chức buổi nói chuyện hôm nay, bên cạnh để giúp cho công chúng Huế có thêm cơ sở dữ liệu để tự chiêm nghiệm, suy luận; cũng là cách để chúng tôi bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần nghiên cứu khoa học cần mẫn, quyết tâm theo đuổi và bảo vệ đến cùng quan điểm của mình bằng việc bổ sung các luận cứ khoa học qua hơn 30 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân".  

Nhà văn cũng bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần nghiên cứu của các cá nhân, các nhóm nghiên cứu khác liên quan đến vấn đề lăng mộ Quang Trung và mong muốn sẽ được tổ chức các buổi thuyết trình khoa học của các nhà nghiên cứu khác, như đã tổ chức cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân hôm nay. Và Tạp chí Sông Hương cũng đã từng và sẽ tiếp tục đăng tải các nghiên cứu liên quan đến lăng mộ Quang Trung để bạn đọc rộng đường suy luận. 

LTQ

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng