Huế luôn luôn mới
Khai trương không gian văn hóa Lục Bộ - Huế
15:41 | 27/11/2015

Trong khuôn khổ chương trình nâng cao chât lượng phục vụ du khách tại khu di sản Huế, sáng ngày 27/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích (TTBTDT) Cố đô Huế tổ chức lễ khai trương “Không gian trưng bày và dịch vụ văn hóa tại cơ sở 79 Nguyễn Chí Diểu”.

Khai trương không gian văn hóa Lục Bộ - Huế
Một phần không gian bên trong không gian văn hóa Lục Bộ tại cơ sở 79 Nguyễn Chí Diểu.

Khu vực này vào năm 1879, vua Tự Đức cho xây dựng Chánh Mông Đường (nơi dành cho Đồng Khánh khi còn nhỏ học tập). Năm 1881, vua Tự Đức cho xây dựng Dục Đức Đường. Đến thời vua Thành Thái cho đổi thành nhà Tôn học. Rồi sau đó là nơi làm việc của Thượng thư bộ Học và cuối cùng là văn phòng của Phủ phụ chính đại thần. Năm 1968, đây là trụ sở của Ty Lao động Thương binh Xã hội.

Trong hệ thống chính quyền thời Nguyễn, khu Lục Bộ (thuộc phường Thuận Thành) đóng vai trò cực kỳ quan trọng, gắn liền với sự hình thành, phát triển và suy tàn của chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Quan văn và quan võ được xếp theo 6 bộ, nên gọi là Lục Bộ, bao gồm: Bộ Lại (có nhiệm vụ quản lý quan lại thuộc ban Văn, có nhiệm vụ bổ dụng, thuyên chuyển, thăng thưởng, khảo sát, phong tước, phong tặng… tương đương Bộ Nội vụ ngày nay), Bộ Lễ (Bộ chuyên trách về nghi lễ, giáo dục, ngoại giao), Bộ Hộ (đảm trách công việc tài chánh, thuế khóa, ruộng đất, tiền tệ, kho tàng, lương thực, hóa vật v.v. tương đương Bộ Tài chính ngày nay), Bộ Binh (giữ việc binh nhung, quân cấm vệ, xe ngựa, đồ nghí trượng, khí giới, giữ việc biên giới, lính thú, nhà trạm, phố xá, nơi hiểm yếu, việc khẩn cấp, tuyển dụng chức võ, tương đương với bộ Quốc Phòng), Bộ Hình (giữ việc luật lệnh, hình phạt án tù, ngục tụng và xét xử người phạm tội ngũ hình, tương đương với bộ Luật) và Bộ Công (chuyên trách xây dựng cung điện, thành trì, lăng tẩm; chế tạo tàu thuyền, xe cộ, mua sắm nguyên vật liệu... tương đương Bộ Xây dựng ngày nay).

Từ hôm nay, không gian văn hóa Lục Bộ sẽ là một địa chỉ tham quan độc đáo cho du khách khi đến với khu di sản Huế. 

Cơ cấu lãnh đạo một bộ gồm một quan Thượng thư (bộ trưởng), hai quan Tham tri (thứ trưởng), và hai Thị lang (vụ trưởng), cùng các thuộc viên như Lang trung, Viên ngoại, chủ sự, tư vụ, thư lại.

Đến nay, dù các di tích của khu Lục Bộ không còn nguyên vẹn như trước, song những dấu vết phế tích ít ỏi còn sót lại và đặc biệt là vị trí địa danh lịch sử vẫn mang ý nghĩa giá trị lịch sử rất lớn, đánh dấu vị trí từng là nơi tọa lạc của các cơ quan đầu não trong bộ máy chính quyền quân chủ thời Nguyễn. Lục Bộ không chỉ là một phần quan trọng trong quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật được UNESCO công nhận (1993); đồng thời là di tích cấp Quốc gia đặc biệt (2009) mà còn là nơi duy nhất ở nước ta còn có khả năng tái hiện diện mạo lịch sử của các cơ quan quyền lực cao nhất của vương triều phong kiến.


Du khách thích thú với không gian dành cho việc trình diễn và trưng bày nghệ thuật viết Thư pháp.


Đầu năm 2005, TTBTDT Cố đô Huế giao cho Trung tâm Phát triển Dịch vụ Di tích Huế, là đơn vị trực thuộc, chịu trách nhiệm đầu tư, chỉnh trang hệ thống nhà cửa, sân vườn để triển khai các hoạt động dịch vụ văn hóa, nhằm đem đến cho khách tham quan cũng như người dân địa phương có thêm một địa chỉ văn hóa để tiếp cận, tìm hiểu về di sản cũng như có sự lựa chọn các sản phẩm dịch vụ mang tính đặc trưng của vùng đất Cố đô.

Không gian bên trái dành để trưng bày các đặc sản Cố đô như rượu, trà, hoa sen giấy Thanh Tiên...

Tại không gian này, khách tham quan được nghe giới thiệu, thưởng thức và chọn mua một số sản phẩm đặc biệt mang dấu ấn riêng của Hoàng cung Huế xưa như: ngự trà Tịnh Tâm Liên hoa, ngự tửu Hoàng Triều Ngự Tửu và Liên Hoa Huyết Tửu cùng các loại thảo dược làm nên thang thuốc nổi tiếng Minh Mạng thang. Ngoài ra, du khách có thể chiêm ngưỡng quá trình pha chế đồng thời thưởng thức ngự trà.


Ngồi thưởng thức cà phê, thưởng cảnh, ngắm chim trong không gian văn hóa thu hút đông đảo người dân địa phương Huế.


Không gian trưng bày và dịch vụ văn hóa tại cơ sở 79 Nguyễn Chí Diểu còn tổ chức sân chơi chim cảnh, sinh hoạt vào 5h30 sáng mỗi ngày và định kỳ tổ chức thi 1 lần/1 tháng. Đây là một thú chơi tao nhã từ xưa ở xứ Huế.


Làm bánh hoa quả Huế

Chằm nón lá Huế

Hướng dẫn cách sao ướp và thưởng thức trà tại Không gian văn hóa Lục Bộ.


Ngoài ra, khi đến với Không gian trưng bày và dịch vụ văn hóa tại cơ sở 79 Nguyễn Chí Diểu, du khách còn được trải nghiệm quá trình làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như tre, hoa giấy, nón lá, diều, đồ mỹ nghệ... dưới sự hướng dẫn của những người thợ thủ công tài hoa đất Cố đô. Du khách sẽ có nhiều trải nghiệm hơn nữa khi được tự tay làm một số sản phẩm đã trở thành thương hiệu của Huế như: Chằm nón bài thơ Huế, làm bánh ngũ sắc Huế, làm hoa giấy Thanh Tiên và sao ướp trà sen. 

Việc khai trương Không gian trưng bày và dịch vụ văn hóa tại cơ sở 79 Nguyễn Chí Diểu sẽ là một điểm đến hấp dẫn với không gian trưng bày cùng các hoạt động văn hóa đặc sắc, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị mới khi tham quan di tích Huế.

 
Theo Ngọc Bích/ Khám phá Huế

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng