Trước đây đã từng có nhiều quy hoạch về sông Hương (TP Huế) nhưng những dự án này đã phải “bỏ ngăn kéo” vì “đụng” đến cái “hồn” của con sông. Dư luận tin rằng, với sự hỗ trợ hết sức thiết thực lần này của Hàn Quốc, quy hoạch hai bờ sông này sẽ thành hiện thực.
Như PLVN đã thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã ký kết triển khai Dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm, với khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 6 triệu USD. Không mắc lỗi như người Pháp Việc quy hoạch lại hai bờ sông Hương là một tín hiệu mừng đối với Huế. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao khi quy hoạch không phá vỡ sự hài hòa của con sông này. Bởi, cũng như những lần trước đây, khi ý tưởng quy hoạch đôi bờ được đưa ra đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của các nhà nghiên cứu vì các ý tưởng trong quá khứ có nguy cơ làm mất đi vẻ đẹp vốn có của con sông. Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, trước đây người Pháp đã từng quy hoạch lại hai bờ sông Hương. Họ đã rất khôn khéo hạn chế một cách tối đa việc xây dựng hai bên bờ sông, thay vào đó họ đã tạo ra những công viên để tôn lên vẻ đẹp của sông Hương. Ông Hoa cho rằng, người Pháp đã quy hoạch rất hợp lý sông Hương, tuy nhiên người Pháp vẫn có những lỗi khi quy hoạch đó là có một số công trình che chắn sông Hương ở bờ Nam, và điều này chúng ta không thể để lặp lại. “Dự án này sẽ giúp cho sông Hương có bộ mặt mới. Vì sông Hương ai cũng thấy đẹp nhưng lại không làm cho thành phố năng động lên được. Ban đêm đi dưới bờ sông mà thiếu công trình chiếu sáng thì sông Hương còn buồn hơn nữa, vì vậy quy hoạch lần này nên xem xét tới yếu tố này”, ông Hoa nói. Không bê tông hóa đường ven sông Cùng với quan điểm của vị nguyên Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu Huế bày tỏ sự đồng tình với dự án trên. Ông Xuân cho biết, trước khi có sự hỗ trợ từ phía Hàn Quốc, đã có nhiều quy hoạch về sông Hương, tuy nhiên những dự án này đã phải “bỏ ngăn kéo” vì đụng đến cái hồn của con sông. Tuy nhiên, việc Hàn Quốc hỗ trợ lần này sẽ là cơ hội tốt cho Huế. Trong số 6 dự án quy hoạch, ông Xuân tán thành việc xây dựng đường đi bộ hai bờ sông Hương. Tuy nhiên, ông Xuân lưu ý rằng việc xây dựng đường đi bộ không được bê tông hóa nhằm tránh mất mỹ quan. “Huế phải giữ được thiên nhiên, nếu bê tông hóa lên là hỏng liền”, ông Xuân cho biết. Hiện tại việc quy hoạch lại sông Hương rất khó, theo ông Xuân, con sông Hương có cái “hồn” của nó, nếu không giữ được cái “hồn” này thì sẽ mất sông Hương. Vì vậy, đòi hỏi người làm quy hoạch phải hiểu được con sông này, tránh trường hợp quy hoạch xong con sông không chảy, hoặc chảy rất lạc... Nhà nghiên cứu này còn cho rằng, khi “rờ” hai bên bờ sông Hương cần lưu ý nhiều yếu tố khác nhau. “Công trình xây dựng phải cách xa hai bờ sông Hương nếu như không muốn phá vỡ cảnh quan. Hai nữa là các công trình phải cách nhau một mảng xanh có thể công viên hay cây cối. Thứ ba là các công trình bên trong không cao quá các cây đã trồng”, ông Xuân nói về những lưu ý khi quy hoạch hai bờ sông. Còn nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An thì cho rằng, sông Hương vốn dĩ đã được quy hoạch từ thời Nhà nước phong kiến với việc xem nó như là nhân tố chủ đạo cho quy hoạch Kinh thành Huế. “Vậy nên trong quy hoạch yếu tố hài hòa là rất quan trọng, sông Hương sẽ luôn chối bỏ sự can thiệp thô kệch ở bất cứ hình thức nào”, ông An khẳng định. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế kiêm Phó ban Chỉ đạo Dự án này cho biết, với mong muốn đưa sông Hương thực sự trở thành một chủ thể quan trọng, sinh động là động lực để phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của TP Huế. “Theo đó, trên cơ sở những góp ý đầy trí tuệ của các chuyên gia, cơ quan quản lý,... chúng tôi mong đơn vị tư vấn có sự tổng hợp, tiếp thu, cân nhắc để đưa ra những định hướng quy hoạch phù hợp, có tính khả thi cao hơn trong quá trình hoàn thiện quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm lần này”, ông Thành nói. Tránh quy hoạch xong sông Hương không chảy “Việc quy hoạch lại sông Hương rất khó, bởi con sông Hương có cái “hồn” của nó, nếu không giữ được cái “hồn” này thì sẽ mất sông Hương. Vì vậy, đòi hỏi người làm quy hoạch phải hiểu được con sông này. Tránh trường hợp quy hoạch xong con sông không chảy, hoặc chảy rất lạc...” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Theo Quang Tám – Tiến Duy ( phapluat.vn) |
|