Huế luôn luôn mới
Biên soạn thành công từ điển Việt - Pa cô - Ta ôi, Pa cô - Ta ôi - Việt
07:46 | 04/04/2016

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “Biên soạn từ điển Việt - Pa cô - Ta ôi, Pa cô - Ta ôi - Việt”. Đề tài do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam chủ trì thực hiện.

Biên soạn thành công từ điển Việt - Pa cô - Ta ôi, Pa cô - Ta ôi - Việt
Lễ hội truyền thống của người Ta ôi

Trên cơ sở tổng hợp những kết quả nghiên cứu đã có trong và ngoài nước về tiếng Pa cô và Ta ôi, kết hợp với kết quả điều tra thu thập tư liệu tại chỗ (huyện A Lưới), nhóm thực hiện đã biên soạn nội dung của cuốn từ điển Việt - Pa cô - Ta ôi, Pa cô - Ta ôi - Việt gồm 02 phần, đó là từ điển Việt - Pa cô - Ta ôi và từ điển Pa cô - Ta ôi - Việt. Đây là cuốn từ điển đối dịch đa ngữ (Việt - Pa cô - Ta ôi), gồm khoảng 8.000 đơn vị - mục từ.

Việc biên soạn cuốn từ điển này sẽ tạo thuận lợi cho những nghiên cứu ngôn ngữ học tiếp theo, giúp cho việc hiểu biết sâu sắc hơn nữa về tiếng nói của các cộng đồng Pa cô và Ta ôi, cũng như ngôn ngữ của các cộng đồng khác như Bru - Vân Kiều, Cơ tu…; góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước đối với tiếng nói chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.

Kết quả của đề tài sẽ giúp cho việc bảo tồn và phát triển đối với ngôn ngữ chữ viết của người Pa cô - Ta ôi, đồng thời đối với những nét bản sắc văn hóa khác được thể hiện dưới hình thức ngôn ngữ, của cộng đồng này; Giúp cho việc giáo dục song ngữ ở vùng đồng bào Pa cô - Ta ôi, hướng tới việc sử dụng có hiệu quả hơn đối với tiếng nói chữ viết Pa cô - Ta ôi trong các lĩnh vực văn hóa, tuyên truyền, in ấn. Ngoài ra, kết quả của đề tài còn giúp cho cán bộ, công chức đang công tác ở vùng đồng bào Pa cô - Ta ôi có tài liệu để học tập, có điều kiện tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng và những nét văn hóa của đồng bào, để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ công tác ở vùng đồng bào Pa cô - Ta ôi.


Phát hành đặc biệt bộ tem “Bàng vuông”

Nhằm quảng bá, giới thiệu và tuyên truyền cho công tác bảo tồn loài cây quý hiếm bàng vuông, ngày 2/4, tại Khánh Hòa, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức phát hành đặc biệt bộ tem “Bàng vuông” nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa.

Bàng vuông có tên khoa học là Barringtonia Asiatica, là một loài quý hiếm, mọc ở rừng ngập mặn trên các đảo ở biển. Do có lá trông gần giống với lá bàng, quả có hình khối chóp nón 4 cạnh, nên nó được gọi tên bàng vuông. Hoa bàng vuông có hương  thơm ngát, chỉ nở từ chiều đến đêm và tàn vào sáng sớm. Đây là loài cây có khả năng chịu đựng được gió bão và sự khắc nghiệt của thiên nhiên và là loài quý hiếm, được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Cùng với cây phong ba, bàng vuông là một trong những cây đặc thù và trở thành biểu tượng, sự tự hào của quân và dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng của bộ tem từ ngày 2/4/2016 đến ngày 31/12/2017.


25 câu lạc bộ tham dự Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2016

Theo Bộ VHTT&DL, Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016 sẽ có 25 câu lạc bộ tham dự, trong đó có 16 câu lạc bộ của tỉnh Nghệ An và 9 câu lạc bộ của tỉnh Hà Tĩnh.

Chủ đề của liên hoan năm nay là ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống và phong trào xây dựng nông thôn mới.

Liên hoan sẽ được triển khai tới cấp cơ sở (huyện, xã) và phải đảm bảo giữ được 60% yếu tố nguyên gốc ở các môi trường không gian và trình thức diễn xướng, kể cả trang phục, đạo cụ, nhạc cụ, bao gồm các thể loại hát chính như: Hát ví, giặm và hò Nghệ… tái tạo ra nhiều không gian diễn xướng dân ca Nghệ Tĩnh ở nhiều nơi, kể cả dân ca nguyên gốc và dân ca phát triển tạo thành các mô hình điển hình gắn với việc xây dựng nông nghiệp và nông thôn mới; nuôi dưỡng các thế hệ nghệ nhân dân gian nòng cốt trong các CLB dân ca xứ Nghệ.

Ngoài ra, tại Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016 còn có hoạt động biểu diễn, giao lưu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại huyện Nam Đàn, quảng trường Hồ Chí Minh và 2 địa điểm tại tỉnh Hà Tĩnh.

Giới thiệu phim ngắn, phim tài liệu của người khiếm thính

Tại lễ tổng kết dự án nghệ thuật “Nghe bằng mắt”- một dự án dạy và làm phim do chính những người khiếm thính thực hiện, đã giới thiệu ba bộ phim ngắn và phim tài liệu: “Chuyện bàn tay”, “Tạp dề vàng”, “Cô gái có ước mơ múa” tới khán giả và cộng đồng người khiếm thính tại Rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội) vào ngày 2-4.

“Nghe bằng mắt” là dự án nằm trong khuôn khổ chương trình Charlotte Peace Designer 2015 mang thông điệp “Hòa bình và phát triển”, do UN-Habitat (Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc) và Tập đoàn Lotte tài trợ, kéo dài từ đầu tháng 12-2015 tới cuối tháng 3-2016. Trong thời gian 4 tháng, những người khiếm thính tham gia vào dự án được đào tạo hoàn toàn miễn phí dưới sự hỗ trợ của nhóm nghệ sĩ có chuyên môn về đạo diễn, sản xuất, biên kịch, quay phim, dựng phim, thiết kế mỹ thuật.

Theo Chính Phủ

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng