(SH.O) Năm năm lại đây, trên địa bàn huyện A Lưới tỷ lệ tảo hôn vẫn ở mức trên 10%. Những cô dâu lấy chồng quá sớm đang đê rlaij nhữn gvaasn nạn dai dẳng phía sau những triền núi khuât sau sương mù...
Tỷ lệ tảo hôn lên đến 12%
Huyện miền núi A Lưới có dân số hơn 46.000 người/11.200 hộ, 05 dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Cơ Tu, Vân Kiều cùng sinh sống. Các dân tộc có phong tục tập quán khác nhau. Bên cạnh các phong tục mang đậm bản sắc văn hóa nhân văn cao, thì vẫn có những hủ tục đang tồn tại. Trong đó, tình trạng tảo hôn và cận huyết thống có chiều hướng gia tăng, tác động không tốt trong xã hội, ảnh hưởng đến giống nòi và tình hình phát triển xã hội.
Trong 5 năm trở lại đây, toàn huyện có 2.130 cặp kết hôn thì có 211 cặp tảo hôn và 10 cặp hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ tảo hôn giao động từng năm từ 7,2-12,8%, hôn nhân cận huyết thống từ 0,22-1,0%. Đặc biệt, năm 2011 có 4 trường hợp kết hôn cận huyết thống chiếm 1% (trên tổng số cặp kết hôn trong năm) và năm 2012 có 51/503 cặp hôn nhân trước tuổi, chiếm tỷ lệ 10,1%.
Sở dĩ có thực tế đáng buồn nay là bởi do tập tục xưa và quan niệm lạc hậu còn ăn sâu trong đồng bào các dân tộc, rất nhiều trẻ vị thành niên ở độ tuổi 15 -16 tuổi, thậm chí 11-13 tuổi đã lập gia đình.
Thực trạng nạn tảo hôn cũng còn là nguyên nhân của sự nghèo đói, và đặc biệt hơn, việc hôn nhân cận huyết đang đe dọa chất lượng giống nòi.
Điều nan giải là các cặp vợ chồng nhí lấy nhau về (được cưới theo thủ tục truyền thống của đồng bào dân tộc) nhưng cả hai lại không có nghề nghiệp, không kiến thức, do đó mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống gia đình. Những đứa trẻ con của các cặp vợ chồng này sẽ không được chăm sóc tốt, do bố mẹ chúng không có kiến thức nuôi dạy con cái, chưa có kỷ năng tổ chức cuộc sống gia đình. Chúng sẽ bị suy dinh dưỡng và tương lai có thể không được đến trường học. Những cuộc tảo hôn này còn khiến sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em không an toàn...
Múa ngày mùa
Nguyên nhân: tự nhiên yêu, tự nhiên lấy (!)
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là quan niệm hôn nhân “tự nhiên”: tự nhiên thích, tự nhiên yêu, tự nhiên lấy mà không kể cái tuổi, cộng thêm cái tập tục lạc hậu chọn vợ cho con khi cái tuổi còn non vẫn ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân A Lưới. Bên cạnh đó, quan niệm việc kết hôn sớm là để có thêm nhân lực lao động trong gia đình đã trở thành một lề thói xấu chưa thể ngăn chặn được khiến tảo hôn tiếp tục tồn tại. Điều khác, phương tiện truyền thông phát triển nhanh (internet, phim ảnh, băng đĩa…) có nội dung không lành mạnh được giới trẻ cập nhật dễ dàng, đó là con đường dẫn đến quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên. Quan hệ tình dục trước hôn nhân dẫn đến có thai ngoài ý muốn buộc hai bên gia đình phải tổ chức lễ cưới. Những nguyên nhân khác: điều kiện kinh tế khó khăn làm cho một số gia đình không đủ sức chi phí cho con cái học hành, việc quản lý con em trong gia đình chưa chặt chẽ nên tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng dẫn đến kết hôn sớm.
Cũng rất nguy hiểm là một số gia đình cho rằng những người có quan hệ cận huyết kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, thân thiết hơn, đặc biệt là không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con, mất của; người dân còn chưa am hiểu về pháp luật và chưa nhận thức được hậu quả nặng nề từ hôn nhân cận huyết thống. Trong những năm qua, huyện đã có nhiều biện pháp để hạn chế, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như vừa tuyên truyền, vận động, khuyên nhủ và áp dụng biện pháp hành chính, song chưa giảm đáng kể.
Có ngăn chặn được tảo hôn ?
Huyện A Lưới vừa phê duyệt đề án “Ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2013 - 2017, định hướng đến năm 2020” với mục tiêu là đến năm 2020 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và không còn hôn nhân cận huyết thống.
Theo đó, phấn đấu 85% (năm 2017) và 100% (năm 2020) các bậc cha mẹ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin về DS-KHHGĐ và các văn bản pháp luật liên quan; 80% (năm 2017) và 100% (năm 2020) vị thành niên, thanh niên, các em học sinh tại các trường THCS và THPT hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đinh, hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Từ đề án sang thực tế là một bước dài, phỉa rất quyết liệt mới hy vọng triển khai thành công.
Vũ Hải