Nhịp điệu cuộc sống
Đắm say hoàng hôn Phá Tam Giang
08:56 | 03/09/2013

Có ai ngờ, cái chốn ngày trước làm bao người hoảng sợ, ngày nay lại trở thành một địa danh du lịch kỳ thú. Và hẳn cũng không nhiều người biết, bên cạnh những thành quách, chùa chiền cổ kính cùng những đồi, núi, rừng, sông nên thơ, Huế lại còn ẩn chứa một “bức tranh thuỷ mặc” đa sắc, nửa thực nửa mơ nơi trần thế.

Đắm say hoàng hôn Phá Tam Giang

Quả thực không sai khi cho rằng, Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Cố đô một bức tranh sơn thuỷ hữu tình không đâu sánh bằng. Sẽ chẳng có nơi nào tại đất nước hình chữ “S” này lại có một Hương Giang kiều diễm buông dài như mái tóc của người con gái đương thì, hay một núi Ngự Bình trầm mặc nghĩ suy với bao biến chuyển của cuộc đời. Ở xứ sở này, những đồi Vọng Cảnh, Thiên An vẫn hồn hậu nên thơ bởi thông reo suốt bốn mùa. Rồi cả những Thuận An, Lăng Cô luôn căng trào lớp lớp sóng vỗ… Tất cả đều có những sức hút làm mê đắm lòng người.    

Nhưng không chỉ thế, vẻ đẹp của Huế còn tiềm ẩn ở chính cái nơi mà trước kia được coi là hiểm địa nhất và mỗi khi nhắc tới nó, chẳng có ai là không “ngại phá Tam Giang”. Và đúng là, phải một lần lãng du trải nghiệm đời sống sông nước của chốn này, tôi mới vỡ lẽ - Huế còn một “kho vàng” sẵn sàng làm nao lòng bất cứ ai.   

Vẻ đẹp tiềm ẩn

Phá Tam Giang thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, là nơi “hẹn nhau” sum họp của ba con sông lớn là Ô Lâu, sông Hương và sông Bồ trước khi đổ ra cửa biển Thuận An. Với diện tích 22.000 ha mặt nước, nơi đây được đánh giá là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á.

Dù ở Huế và đã từng ngao du khá nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên tôi và gia đình đến với phá Tam Giang. Từ thành phố Huế, chạy xe chỉ chừng 15km xuôi theo hướng ra biển Thuận An, những thôn làng nằm thanh bình dọc theo những nhánh sông của dòng Hương sẽ dẫn ta tới bến đò Trường Hà. Từ đây, xuống một con thuyền nhỏ chạy bằng máy do những người dân chài điều khiển để bắt đầu chuyến hành trình khám phá nơi này.

 

Người dân trên phá Tam Giang

Hoang sơ, bao la và hiền hoà là những cảm nhận ban đầu của tôi khi con thuyền nhè nhẹ lướt sóng đi dọc theo chiều dài của đầm phá. Tạm quên những bộn bề của công việc, những lo toan của cuộc sống tại một nơi không đường xá, không tiện nghi khiến ta như tách biệt hoàn toàn với nhịp sống thường nhật và phải “say” trong không gian trời nước của nơi này. Những cơn gió từ phá cứ mơn man gợn vào mỗi kẽ tóc, thì thào trong cả những đôi tai. Ánh nắng hè cuối chiều lấp lánh trên những con sóng mềm cũng dập dờn cả trong từng đôi mắt. Mặc cho nắng cháy trên đầu, tôi đứng ở trước mũi thuyền buông mắt nhìn khoảng không phía trước và vội chớp những bức hình với tất cả sự phấn khích. Đôi lúc, đưa bàn tay vục lên chút nước mát lành từ dưới phá mà trong lòng thư thái đến lạ thường.

Phá không có những con sóng to, mặt nước lặng yên với gam màu xanh ngọc bích. Những tiếng cười nói rôm rả của mỗi chúng tôi cũng đủ làm xao động sự tĩnh lặng của nơi này.  

Trên phá, những dãy cọc, những hàng rào lưới giăng trên mặt nước trông giống như những mê cung bí hiểm. Thi thoảng, có vài chiếc thuyền con chạy rẽ ra nhiều ngả vẽ thành muôn vạn “con đường” trên mặt nước. Còn tít ra phía xa lại là những rừng phi lao chắn sóng cát cứ vời vợi trong đáy mắt.  

Sau khoảng 30 phút, con thuyền đưa chúng tôi cập bến tại một nhà chồ trên phá. Ngôi nhà chồ làm bằng tre, nứa được công ty du lịch và ngư dân dựng trên phá nhằm phục vụ du khách tới đây ngắm cảnh và tìm hiểu cuộc sống của cư dân vùng đầm phá. “Xây dựng tour du lịch Chiều trên phá Tam Giang là vừa mong muốn đánh thức tiềm năng của phá, vừa tạo điều kiện để người dân quanh năm chỉ biết đến quăng lưới giăng câu cùng tham gia làm du lịch, làm kinh tế cho chính mình” – anh Trần Quang Hào (Giám đốc công ty Huetourist) thổ lộ với chúng tôi. Thực vậy, có được sự phối hợp và giúp đỡ của các công ty du lịch, cuộc sống của những con người quanh năm chỉ biết đến sông nước sẽ phần nào bớt cơ cực hơn. 

Một căn nhà chồ nhỏ trên phá Tam Giang

Căn nhà chồ trên phá chỉ rộng chừng 8m2, có thể chứa được đến 15 người. Dù nhỏ nhưng nhà chồ cũng có 3 gian gồm tiền sảnh, gian giữa và bếp. Tại đây, tất cả chúng tôi đã cùng nhau say sưa cất những lời hát ngợi ca tình yêu, thiên nhiên và cũng là lần đầu tiên “thử làm ngư dân trên phá” trong những trò chơi do hướng dẫn viên của công ty du lịch phát động. Những kỷ niệm của lần đầu luống cuống tập chèo ghe, vụng về tự đổ nò để bắt tôm, cá – hẳn sẽ rất khó quên đối với mỗi người chúng tôi. Cũng thật không gì thú hơn vừa nhâm nhi trong men rượu của làng Chuồn, vừa thưởng thức những sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây và hưởng thụ bầu không khí trong lành giữa một không gian mênh mông ngút ngàn.  

Mê hoặc lòng người

Khi trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Quang Hào khẳng định chắc nịch: “Tới phá Tam Giang phải chứng kiến cảnh sắc chuyển đổi giữa ngày và đêm và thả hồn đắm mình vào cảnh sắc lãng mạn, kỳ vĩ của hoàng hôn nơi đây  như vậy thì chuyến đi mới ý nghĩa”.  

Thật vậy! Không phải ngẫu nhiên mà khung cảnh hoàng hôn trên phá Tam Giang lại được những áng thơ văn, nhạc, họa ngợi ca hết lời. Một vẻ đẹp hấp dẫn đến khó cưỡng như nét duyên thầm của người thiếu nữ Huế, nồng nàn như cảm xúc ban đầu của một chàng thanh niên mới yêu, nhưng lại hùng vĩ như một khúc tráng ca bất hủ, mà cũng sống động, tráng lệ như một bức tranh trữ tình quyện chặt vào buồng tim.  

 

Cảnh sắc hoàng hôn trên phá Tam Giang 

Mắt đăm chiêu và tay chớp hình liên hồi, một người thân của tôi đã thốt lên: cảnh tượng này không nơi đâu có được. Mặt trời đang rực đỏ rồi bỗng nhiên “thay áo” vàng bàng bạc, có lúc lại chuyển qua màu tím thẫm, khi lại tô một màu hồng cánh nhạn sà sập xuống nhuộm trùm lấy toàn bộ mặt phá. Sắc trời, màu nước lúc hoàng hôn cứ thế đan quyện vào nhau tạo thành một khung cảnh ngoạn mục, đẹp đến xiêu lòng. Xa xa những căn nhà chồ thấp thoáng ẩn hiện trên phá trong những vệt nắng cuối ngày. Vẳng trong cái bề mênh mang đó, tiếng nói cười của những ngư dân trở về sau một ngày lao động nhiều thành quả vang lên đầy rắn rỏi. Những rừng cây Chá như cũng đang ngái ngủ, sóng sánh nhẹ rung trong làn gió ráng chiều. Những chú chim trời vừa chao liệng nơi cuối chân trời cũng đang vội tìm cho mình nơi trú ẩn qua đêm. Cả những đứa trẻ mới đó í ới huyên náo cũng vội vã rủ nhau chèo ghe về nhà trước khi màn đêm buông toả. Trong thinh không, ta còn có thể lặng nghe những tiếng bì bõm nhè nhẹ của những ngư phủ chuẩn bị giăng câu. Thế rồi, những ánh sáng yếu ớt còn xót lại của mặt trời cứ hun hút và mất tăm để nhường lại cho màn đêm chủ quyền chiếm giữ. Những biến đổi của thuỷ diện khiến ai cũng phải ngỡ ngàng, thảng thốt như vừa đạt được một thành quả lớn lao của đời người. 

Sau cả buổi chiều đắm mình nơi sóng nước và thả hồn vào hoàng hôn thêu dệt trên đầm phá, chúng tôi trở lại thuyền để quay về Huế. Không có điện nên khi màn đêm đã tối mịt những con thuyền đều trang bị những chiếc đèn nạp điện để soi đường đưa khách vô bờ. Trên cái khoảng không mênh mang của phá, những ánh đèn khi gần khi xa, chớp nháy như những con đom đóm trong đêm. Trăng không tỏ nhưng hằng hà vì sao tung tẩy trên nền trời làm mặt nước đầm phá về đêm thêm lấp lánh đến khó tả. Là đêm nhưng không gian không u tịch mà vẫn khoáng đạt đến vô cùng. Cảnh vật như khích lệ người ta thưởng đắm rồi hoan lạc đến chất ngất. Để rồi những tiếng hò khoan, những tiếng ca ngọt ngào cứ cất lên như lay thức tâm can chẳng muốn rời nơi này. 

 

Trở về sau một ngày ra khơi 

Có ai ngờ, cái chốn ngày trước làm bao người hoảng sợ, ngày nay lại trở thành một địa danh du lịch kỳ thú. Và hẳn cũng không nhiều người biết, bên cạnh những thành quách, chùa chiền cổ kính cùng những đồi, núi, rừng, sông nên thơ, Huế lại còn ẩn chứa một “bức tranh thuỷ mặc” đa sắc, nửa thực nửa mơ nơi trần thế. Dường như, Mẹ tạo hoá đã ân tình dành cho xứ này những “báu vật” vô giá đó như là để nâng niu tâm hồn những con người yêu quý người!?

Sự tán dương cho khung cảnh nơi đây sẽ là không đủ mà phải đến với phá Tam Giang, bạn mới cảm nhận được tâm hồn và chất thơ của người và cảnh xứ Huế. Còn đối với một kẻ lãng mạn và ham khám phá như tôi, nếu phải trần tình về khoảnh khắc ấn tượng nhất trong cuộc đời mình thì tôi vẫn “nhớ sao là nhớ, ôi sao nhớ” chiều hoàng hôn đó – hoàng hôn trên phá Tam Giang. 

Theo Trường Xuân (tourconduongdisan.com) 

          Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bán dạo (22/08/2013)