Nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang lừng danh của Huế, đầm An Truyền (còn có tên là đầm Chuồn) cách thành phố Huế 10km từ lâu đã nổi tiếng với vẻ đẹp yên bình, thu hút các tay máy tới “săn” những khoảnh khắc độc đáo của thiên nhiên và con người. Ngoài vẻ đẹp khiến người ta phải sững lại vì sự ưu ái của thiên nhiên cho đầm đầy tôm cá, đến với An Truyền, ta còn được khám phá cả những nét văn hóa vô cùng đặc sắc của vùng đất miền Trung.
Làng An Truyền, cũng như nhiều vùng đất Trung bộ khác, có tín ngưỡng thờ tiên hiền, hậu hiền. Trong đình làng có thờ Tam vị khai căn, gọi là Hồ Quản Lãnh, Nguyễn Tổng Bảng, Đoàn Minh Tự; thờ thất tộc (họ Hồ, Nguyễn, Đoàn, Huỳnh, Trần, Lê, Võ) là những dòng họ lớn, sinh sống lâu đời ở làng. Tín ngưỡng thờ tiên hiền, hậu hiền này xuất hiện khi người dân di cư vào những vùng đất hoang vu khai hoang, lập ấp, từ đó nhớ ơn những người có công khai phá mà thờ. Tam vị khai căn của làng Chuồn còn được thờ ở miếu giữa đồng, cứ đến lễ Thu tế, dân làng lại làm lễ thỉnh các ngài từ miếu vào Tổ Đình, rồi đến ngày hôm sau lại rước các ngài về miếu.
Khác với văn hóa Bắc bộ coi đình làng là nơi quan trọng nhất trong đời sống tâm linh, là nơi thờ Thành hoàng làng – vị thần bảo trợ cho cộng đồng làng xã, người miền Trung coi trọng ngôi miếu thờ Thổ công hơn.
Đình làng An Truyền thờ Thượng thư bộ Lễ triều Nguyễn là Hồ Đắc Trung, ông được triều đình nhà Nguyễn phong là Đệ nhất gia. Là con dân của làng An Truyền, ông đã đem các nghi thức tế lễ đậm chất cung đình truyền dạy lại cho dân làng. Vì vậy, nếu muốn trải nghiệm một lễ hội đậm chất truyền thống, đừng bỏ lỡ lễ hội Thu tế của An Truyền. Từ trang phục, bước đi dâng rượu, dâng đèn, tới điệu hát Thài… người làng An Truyền vẫn giữ được nét nguyên bản cho đến ngày nay.
Nét văn hóa độc đáo của làng Chuồn không chỉ dừng lại ở đó. Nếu đã quen với văn hóa người Việt đồng bằng Bắc bộ, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng đình làng An Truyền còn thờ một người phụ nữ. Tương truyền rằng bà họ Huỳnh, quê gốc ở Thanh Hóa, cùng 2 con di cư vào vùng đất đầm phá này cắm cọc, quây đầm, từ đó người dân làng Chuồn mới có đầm đánh tôm, bắt cá. Người dân ghi nhớ công lao nên thờ phụng, bà được phong là Trinh Nữ Đoan Túc Tôn Thần, thờ trong Tổ Đình.
Theo Phan Diệu Hương