Tuy ở gần cuối thời gian của mùa mưa lụt, hai cơn bão 10,11 vừa đi qua, may mắn không có thiệt hại về người trên những chuyến đò ngang, song kiểm tra các bến đò ngang mà hàng ngày người dân thường xuyên qua lại thì vẫn còn đó nỗi lo về an toàn giao thông đường thủy nội địa mỗi khi nước lũ đổ về, dòng sông Bồ, sông Hương…dâng cao cuộn chảy, sóng vỗ phá Tam Giang trong những ngày triều cường, gió lộng…
Nhiều lần kiểm tra, chuyển biến chưa tích cực
Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2013, đoàn công tác liên ngành kiểm tra đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy tỉnh đã phối hợp với lực lượng chức năng các huyện, thị xã và thành phố Huế kiểm tra về hoạt động vận tải của các bến đò ngang, bến hành khách trên sông Hương. Đoàn công tác liên ngành cho biết, hầu hết các chủ đò ngang không tuân thủ và thực hiện các quy định pháp luật về các điều kiện hoạt động, điều kiện mở bến, điều kiện hoạt động của các phương tiện thủy nội địa về người lái thuyền và công tác đảm bảo an toàn vận tải hành khách, nhất là bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.
Bến đò ngang Vĩnh Tu - Cồn Tộc (Quảng Điền) là bến đò có mật độ người qua lại khá lớn, về mùa ngập lụt, bến bãi bị ngập không những đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân mà phương tiện vận tải hành khách còn thiếu trang thiết bị an toàn (áo phao, dụng cụ cứu sinh) hoặc có nhưng đã cũ nát. Các phương tiện hoạt động chở khách tại bến đò này tuy có đầy đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm và bảo hiểm, nhưng chủ thuyền không yêu cầu khách mặc áo phao khi đi thuyền. Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính một trường hợp đối với chủ thuyền biển số TTH - 0982 về hành vi điều khiển phương tiện không có bằng thuyền trưởng theo quy định. Đồng thời yêu cầu HTX đường sông huyện Quảng Điền và Ban quản lý bến đò Vĩnh Tu - Cồn Tộc cần quản lý chặt chẽ và khắc phục ngay những điều kiện an toàn để đảm bảo an toàn cho người dân.
Cũng như bến đò Vĩnh Tu - Cồn Tộc, các bến đò khác như bến đò Than - Điện Huế Nam (Hương Trà), bến đò ngang Tiên Nộn - Bao vinh (Phú Vang) và bến đò khu vực hồ Truồi (Phú Lộc) công tác quản lý phương tiện và hoạt động của phương tiện đò ngang chưa chặt chẽ. Mặc dù người điều khiển phương tiện và phương tiện có các giấy tờ đảm bảo điều kiện hoạt động nhưng bến bãi lại không đảm bảo an toàn cho khách lên xuống thuyền. Ngay với công trình cầu phao nổi qua sông Hương thuộc địa bàn xã Thủy Bằng (Hương Thủy) - Hương Thọ (Hương Trà) không có biển báo hiệu luồng chạy tàu và phương án bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
Tai nạn đường thủy luôn rình rập bất cứ lúc nào
Theo đoàn công tác liên ngành, hầu hết các chủ phương tiện đò ngang chỉ có 01 người có giấy phép điều khiển phương tiện (có bằng lái), nhưng thực tế là 01 thuyền khi hoạt động thường có ít nhất 2 người điều khiển, đặc biệt có trường hợp ngay cả phụ nữ cũng điều khiển phương tiện (đò ngang) sang sông. Và tai nạn giao thông đường thủy rất dễ xảy ra nếu điều khiển phương tiện đò ngang vào mùa mưa lũ, sóng to, nước lớn, đặc biệt là đối với người thiếu kinh nghiệm và sức khỏe để điều khiển phương tiện.
Khi hỏi những người dân thường xuyên qua lại tại các bến đò này, họ nói “dẫu biết là không đảm bảo an toàn, nhưng vì công việc, vì đi làm ăn nên hầu như không để ý đến việc an toàn khi đi lại trên các chuyến đò ngang”. Người điều khiển đò ngang thì nói: Do áo phao sau thời gian sử dụng bị hư hỏng nên chỉ dùng hạn chế, còn lại cất đi để khi nào “sóng to, nước lớn” mới sử dụng, nếu dùng hết sẽ bị hư…
Phải thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý
Ông Võ Văn Tươi, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, để hạn chế thấp nhất những rủi ro trong hoạt động đường thủy nội địa, ngoài việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân, chính quyền cấp xã, thị trấn nơi có bến đò ngang cần phải thường xuyên kiểm tra các chủ thuyền, người điều khiển phương tiện và hành khách thường xuyên đi lại tại các bến đò ngang chấp hành nghiêm túc các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến thuyền, phương tiện vận chuyển không đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật, nhất là đối với các bến đò thường xuyên có mật độ người dân đi lại nhiều như bến đò Hồ Truồi, bến Vĩnh Tu - Cồn Tộc, bến ngã ba Sình, bến Than, bến ngã ba Tuần…Ban quản lý các bến đò không vì nguồn thu mà khoán trắng việc chuyên chở cho các chủ thuyền, yêu cầu các chủ phương tiện nghiêm túc thực hiện việc bắt buộc người đi đò phải mặc áo phao, đeo dụng cụ cứu sinh và chủ phương tiện phải từ chối chuyên chở những người không chấp hành quy định sử dụng áo phao khi qua đò. Chính quyền các huyện, thị xã và thành phố cần quan tâm đầu tư hạ tầng các bến đò ngang, thay thế, nâng cấp phương tiện và bổ sung các trang thiết bị an toàn còn thiếu hoặc có mà không còn tác dụng...
Theo thuathienhue.gov.vn