Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung cho biết: Từ tháng 9 đến nay, toàn tỉnh đã có 606 ca sốt xuất huyết. Riêng thành phố Huế có 339 ca sốt xuất huyết; trong đó, 1 trường hợp đã tử vong.
Tình hình sốt xuất huyết ở Thừa Thiên - Huế diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh nhất là sau các cơn bão số 10 và 11 vừa qua. Tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Sở Y tế tỉnh chủ động kế hoạch đối phó; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng từ tỉnh đến các huyện phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai ngay các hoạt động phòng, chống dịch, khống chế, không để dịch bùng phát, lan rộng; hạn chế tối đa các ca bệnh tử vong. Các địa phương phối hợp với ngành y tế, kể cả các đoàn thể chính trị xã hội vào cuộc để diệt bọ gậy, diệt muỗi là tác nhân truyền bệnh trực tiếp cho người dân.
Tại huyện Quảng Điền, do đặc thù ở vùng thấp trũng, sau lũ tình trạng ao tù nước đọng rất nhiều, thêm vào đó tình trạng ô nhiễm môi trường là điều kiện cho các loại côn trùng gây hại, nhất là muỗi vằn sinh trưởng và phát triển. Trung tâm Y tế huyện đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình bệnh trên địa bàn; tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy (lăng quăng); vận động từng hộ gia đình vệ sinh môi trường. Đối với những vùng có dịch sẽ tăng cường kiểm soát, phun hóa chất tiêu độc khử trùng, vận động người dân mắc màn khi đi ngủ.
Cùng với sốt xuất huyết, hiện nay tại Thừa Thiên - Huế, loài kiến ba khoang xuất hiện, gây bệnh cho người. Khi bị kiến ba khoang đốt, nếu chủ quan, không đến điều trị sớm sẽ dẫn đến viêm da lan rộng, gây khó khăn cho công tác điều trị. Hơn nữa, bệnh này biểu hiện ban đầu giống với bệnh Zona, nếu tự chẩn đoán và tự điều trị, bệnh không những không khỏi mà nặng thêm, vết đốt bị phồng mủ, sưng đau.
Hiện nay, hầu hết các địa bàn từ thành phố đến nông thôn trong tỉnh đều xuất hiện kiến ba khoang. Một số trường học, điển hình là Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng kế hoạch cụ thể để phòng, chống kiến ba khoang. Nhà trường và cơ sở y tế phối hợp phổ biến cho học sinh toàn trường nắm rõ tính chất nguy hiểm, các triệu chứng và cách xử lý bệnh; tổ chức vệ sinh môi trường toàn trường; thành lập Đội tình nguyện phòng, chống kiến ba khoang; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất sát khuẩn, bình bơm thuốc...để ứng phó kịp thời.
Ngành Y tế khuyến cáo: Kiến ba khoang thích ánh sáng trắng, như đèn nê-ông nên để đề phòng kiến bay vào nhà vào mùa mưa, người dân nên sử dụng đèn với ánh sáng màu vàng. Ngoài ra, người dân không nên bật điện sáng trong phòng, mà bật điện sáng ngoài sân, hành lang. Khi phát hiện kiến đeo bám ở nơi có bóng đèn thì nên quét nhẹ để xua đi, hoặc dùng bình diệt côn trùng để tiêu diệt, không nên lấy tay giết kiến. Khi bị kiến cắn, người dân phải rửa ngay vùng tiếp xúc với kiến bằng nước xà phòng thông thường. Vết chích bị nặng hơn như da phồng rộp thì phải đến các trung tâm da liễu để khám và lấy thuốc, hoặc sử dụng thuốc rentameson để bôi vào vết cắn, chữa trị./.
Theo Quốc Việt