Nhịp điệu cuộc sống
Đổi thay ở căn cứ địa T’Râu
08:01 | 21/11/2013

Trải qua 2 trận thảm sát kinh hoàng của Mỹ-ngụy khiến hơn 300 người chết nhưng dân làng T’Râu ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên- Huế) vẫn sống kiên cường, bất khuất, một lòng theo Đảng và Bác Hồ đánh giặc cứu nước. Sau ngày hòa bình lập lại, bằng sự cần mẫn, lam lũ, đồng bào Cơ Tu nơi đây đã từng bước vươn lên thoát nghèo, để hồi sinh vùng “đất chết” năm xưa… 

Đổi thay ở căn cứ địa T’Râu

Từ thành phố Huế, vượt qua nhiều đoạn đường gồ ghề, đất đá lởm chởm với những đèo dốc quanh co, chúng tôi về làng T’Râu, thuộc xã miền núi Thượng Quảng (huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) vào một ngày giữa tháng 11/2013.

Từ đầu ngõ, thấy bóng người vác ba lô, túi xách lỉnh kỉnh, già làng Hồ Văn Vắt cất tiếng với giọng kinh lơ lớ: “Mấy chú lên làm phóng sự về làng T’Râu ni đó à?”. Sau đó, già Vắt dẫn chúng tôi đến nhà ông Hồ Văn Vinh (65 tuổi), một trong số ít nhân chứng còn sống sót sau 2 trận thảm sát ngày trước...

Ngồi bên chiếu nước, già Vinh bắt đầu hồi tưởng lại những câu chuyện lịch sử của làng T’Râu mà có thể đến bây giờ, nhiều sử sách vẫn chưa kịp lưu chép lại. Già Vinh kể: Nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, với địa thế hiểm trở, nên trước những năm 1945, T’Râu là căn cứ địa kháng chiến chống Pháp.

Đến đầu thập niên 60, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ khốc liệt nhất, T’Râu một lần nữa trở thành nơi che giấu và nuôi nhiều cán bộ cộng sản “nằm vùng”.

Theo lời già Vinh, hồi đó, để trồng được cây lúa đến mùa thu hoạch là cả một kỳ công đối với người làng T’Râu. Bởi, trồng được bao nhiêu lúa, đều bị giặc đốt phá bấy nhiêu. “Địch nó sợ ta trồng lúa đem về nuôi cán bộ nên nương rẫy của bà con dân bản bị chúng phá hết sạch…”, vẻ mặt trầm ngâm, già Vinh nhớ lại những ngày tháng vất vả nhưng rất đỗi tự hào khi dân làng cất giấu và nuôi được nhiều cán bộ mà địch không hề hay biết.

Ban ngày, người làng T’Râu lên nương rẫy trồng khoai, sắn, ban đêm đốt đuốc giã gạo để có đủ lương thực nuôi cán bộ. Dù phải chịu cảnh đói, khổ, ăn củ rừng thay cơm; nhưng không phải vì thế mà dân bản T’Râu để bộ đội đói bữa. Có thời điểm, bà con dân làng đã thay nhau giã và gùi gần 400 thùng gạo để tiếp tế cho lực lượng cách mạng ở dưới xuôi...

Một hôm vào đầu tháng 11/1960, do thắp đuốc giã gạo, quân địch phát hiện có khói lửa bốc lên từ làng T’Râu. Nghi ngờ có bộ đội về làng nên địch đã tổ chức một trận càn, bắn phá và giết hại dã man 196 người già, phụ nữ lẫn thanh niên trai tráng trong thôn. Tất cả nhà cửa đều bị thiêu cháy thành tro, máu chảy đỏ cả con suối Ma Sua trước bản.

Trong trận càn này, Đội trưởng đội du kích T’Râu, ông Hồ Văn Đe và chú ruột là Hồ Văn Giao đã bị địch bắt sống. Sau nhiều ngày dùng cực hình tra khảo nhưng vẫn không lấy được thông tin mật, chúng đã chặt đầu hai anh và đem treo lên một cây cao ở đầu bản, còn phần thi thể đem quẳng trong rừng sâu. Phải đợi đến nữa đêm, người làng T’Râu mới dám đến cướp hai thủ cấp ấy để đem về mai táng.

    
                                                               Làng T'Râu ngày nay

Đất nước giải phóng, hòa bình lập lại, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế, UBND huyện Nam Đông, dân làng T’Râu đoàn kết một lòng, khai hoang vỡ từng tấc đất, cấy lúa, trồng khoai, sắn, vun vén màu xanh cho những cánh rừng keo, cao su… để làm hồi sinh vùng “đất chết””.

Ông Hồ Văn Rai, Bí thư xã Thượng Quảng “khoe”: “Cả xã có trên 500ha cao su thì dân làng T’Râu chiếm 1/3 trong số ấy rồi. Bà con còn trồng được 7 héc-ta lúa nước và nuôi hàng trăm con trâu, bò nữa. Đó quả là một kỳ tích ở căn cứ địa cách mạng này”.

“Mấy năm gần đây, nhờ có cây cao su tiểu điền mà cuộc sống của dân bản T’Râu khấm khá hẳn lên, điều kiện học hành của con em dân bản nhờ vậy tốt hơn trước. T’Râu giờ có nhiều em học cao đẳng và đại học lắm, hy vọng sau này các em sẽ thành tài để về giúp bà con dân bản làm giàu, xây dựng bản làng”, ông Rai bày tỏ nỗi lòng.

Cuộc sống mới ở bản làng đã ổn định, già Vắt, già Vinh cùng dân làng băng rừng, vượt suối để tìm hài cốt người thân bị địch sát hại ngày đó và đã tìm được hài cốt của ông Hồ Văn Đe và ông Hồ Văn Giao, cùng nhiều bộ hài cốt khác để đưa về nghĩa trang huyện Nam Đông an táng.

Dẫn chúng tôi ra Đài tưởng niệm Anh hùng, liệt sĩ xã Thượng Quảng và nhiều người con của làng T’Râu hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, già Vinh rưng rưng: “Bà con dân bản sẽ không thể nào quên được những người bị địch bị giết hại ngày đó. Giờ chỉ mong sao sớm tìm lại được những hài cốt liệt sĩ còn nằm lại đâu đó trong rừng sâu, để ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống vì T’Râu…”

Theo Lê Anh (CAND)
 

Các bài mới
Các bài đã đăng