Nhịp điệu cuộc sống
Hệ lụy từ việc xuất ngoại … làm giàu
14:11 | 02/12/2013

Thấy việc sang Lào bằng đường du lịch quá dễ dàng và kiếm được bộn tiền nên chỉ sau một thời gian ngắn, đã có hàng trăm người dân ở thôn Xuân Thiên Hạ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) đổ xô đi… xuất ngoại. Nhiều người đã sắm được ôtô, xây được nhà lầu; nhưng cũng không ít gia đình rơi vào cảnh bi thương khi có lắm tiền…

Hệ lụy từ việc xuất ngoại … làm giàu
Đằng sau những nhà lầu xe hơi là những hệ lụy từ việc xuất ngoại (Ảnh minh họa)

Một chiều mưa rả rích vào cuối tháng 11, chúng tôi vượt mấy chục cây số để tìm về thôn Xuân Thiên Hạ, một trong những thôn có số người sang Lào làm ăn nhiều nhất xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang.

Đứng trong căn nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Nguyễn Văn Đông trải lòng: “Vợ chồng tui có 4 người con, kể từ khi thằng đầu (Nguyễn Mười - NV) sang Lào làm ăn và trở nên khấm khá thì nó liền về quê để kéo cả mấy đứa em sang đó hết. Tết vừa rồi, chúng nó về xây cho vợ chồng tui căn nhà hai lầu ni. Giờ nhà cửa thì rộng mà không có người ở…”.

Dù ở trong căn nhà lớn, sang trọng nhưng vợ chồng ông Đông luôn chất chứa nhiều nỗi buồn. Vào cái tuổi “cổ lai hy”, họ muốn có con cháu bên cạnh để vui cửa, vui nhà, song giờ chỉ hai người già vào ra hiu quạnh. “Tụi nó bỏ sang Lào để làm ăn hết, cả mấy đứa cháu cũng đưa sang đó để tiện bề học hành nên chỉ còn vợ chồng tui thui thủi trong căn nhà lớn này thôi”, ông Đông buồn bã nói.

Ông Nguyễn Ngọc Từ, Trưởng thôn Xuân Thiên Hạ cho biết, thôn có 625 hộ, với khoảng 3.300 khẩu, thì có trên 250 hộ đã chuyển sang Lào sinh sống và làm ăn. Cũng như nhiều gia đình khác trong thôn, hiện 2 con trai đầu của ông Từ cũng đang làm nghề thợ mộc ở Viêng Chăn (Lào) với mức thu nhập mỗi tháng gần 15 triệu đồng.

“Gia đình có 6 sào ruộng nhưng chúng nó không mặn mà chi công việc đồng áng nên theo bạn bè qua đó làm ăn. Công việc tuy vất vả, bù lại thu nhập cao nên mấy tháng trước, hai đứa nó đã góp tiền để cất cho vợ chồng tui căn nhà ni”, vừa tâm sự, ông Từ vừa dẫn chúng tôi đi tham quan căn nhà 2 tầng được xây dựng theo kiểu biệt thự hạng sang có một không hai ở thôn.

Theo ông Từ, sau nhiều năm làm ăn tại Lào, nhiều người ở thôn Xuân Thiên Hạ không những có của ăn, của để mà còn xây được nhà lầu, mua được ôtô với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 10 đến 15 triệu đồng. Cứ thế, nhiều ngôi nhà khang trang dần thay thế cho những ngôi nhà lụp xụp. Diện mạo thôn xóm dần được thay da, đổi thịt qua từng năm… Thế nhưng, hệ lụy của việc có lắm tiền cũng thật đau xót, đó là số người nhiễm HIV ngày mỗi tăng.

Ông Từ dẫn chứng: “Tính đến thời điểm hiện tại, thôn Xuân Thiên Hạ đã có 5 người chết vì bị nhiễm HIV. Thậm chí có nhà có từ 2 đến 3 người bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Như anh em S. và C. đều bị “dính ết” sau 2 năm sang Lào làm ăn rồi về lây cho vợ ở quê nhà. Giờ chúng nó mất cả rồi, để lại bầy con nheo nhóc cho người mẹ già chăm sóc”…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài thôn Xuân Thiên Hạ thì thôn Kế Võ (xã Vinh Xuân) cũng có rất nhiều hộ dân sang Lào để tìm đường làm giàu và cái giá phải trả của việc có “nhiều tiền” là… nhiễm căn bệnh HIV.

Được một người dân trong thôn dẫn đường, chúng tôi tìm về nhà cụ Võ Thị Lớn (88 tuổi) ở thôn Kế Võ. Ngồi trong căn lều chực sụp đổ, cụ Lớn móm mém kể về câu chuyện buồn của gia đình. Vì quá nghèo nên năm 2008, anh Nguyễn Hữu M. (con trai đầu cụ Lớn) theo chúng bạn sang Lào làm ăn. “Chỉ hơn một năm sau, hắn bị nhiễm HIV rồi về lây cho vợ và 2 thằng con. Giờ chúng nó chết cả rồi, chỉ còn tui và 2 thằng cháu nội bị nhiễm HIV hiện đang theo học một trường cấp 3 trong huyện”.

Nói về “phong trào xuất ngoại” sang Lào làm ăn của người dân trên địa bàn xã, ông Trần Văn Đê, Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân cho hay: Việc sang Lào làm ăn trên địa bàn xã xuất hiện từ nhiều năm về trước, song khi có tiền của thì không ít gia đình rơi vào cảnh bi thương, do bị nhiễm HIV. Để hạn chế những hệ lụy trong việc xuất ngoại sang Lào làm ăn, nhất là tình trạng xuất cảnh trái phép, cần tuyên truyền những mặt trái của việc làm ăn nơi đất khách để bà con chủ động phòng tránh. Việc này không chỉ ở chính quyền xã mà còn có sự vào cuộc từ phía các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

 

Theo Lê Anh (CAND)
 

Các bài mới
Các bài đã đăng