Nâng cao thu nhập, ổn định, định canh định cư cho người đồng bào dân tộc thiểu số đang được huyện miền núi Nam Đông triển khai có hiệu quả. Những tập quán canh tác lạc hậu, “phát - cốt - đốt - trỉa” đã không còn, giờ đây bà con đã thay đổi nhận thức, biết đầu tư thâm canh, lấy ngắn nuôi dài. Đó là cả 1 quá trình tuyên truyền, vận động lâu dài đáng trân trọng, góp phần rất lớn trong việc nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững của địa phương.
Trái ngược với những lần đi rừng trước đó, hôm nay hàng chục hộ dân người đồng bào dân tộc Cơ Tu xã Thượng Nhật, huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tự mình mang giống cây để trồng trên đất rừng. Nơi mà họ đã được trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với rừng tự nhiên. Niềm vui lộ rõ trên từng khuôn mặt, những bước chân thoăn thoát vượt qua nhiều đồi dốc cao, như quên đi cái nặng của những chiếc gùi truyền thống trên vai. Những tập quán canh tác lạc hậu, “phát - cốt - đốt - trỉa” đã không còn, giờ đây, bà con đã thay đổi nhận thức, biết đầu tư thâm canh, lấy ngắn nuôi dài. Điều đặc biệt hơn là bà con đã tự góp vốn xây dựng quỹ mua giống cây Mây về trồng, điều mà từ trước tới nay chưa từng có đối với người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Anh Nguyễn Văn Đen, Thôn 6, xã Thượng Nhật, Nam Đông, TT Huế chia sẽ: “Gia đình tôi nói riêng và bà con ở đây thiếu đất sản xuất, nay được giao đất, giao rừng, mừng lắm. Chúng tôi tự bỏ tiền mua giống mây và cùng nhau tham gia tích cực để trồng trên chính đất của mình, một gian không xa nữa chúng tôi sẽ có thu nhập ổn định từ rừng”.
Ý thức được tầm quan trọng trong việc phát triển rừng, đặc biệt là hưởng lợi trực tiếp từ rừng, bà con nơi đây đã thành lập Ban quản lý rừng cộng đồng, Ban này có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, kiểm tra, đôn đốc các thành viên thực hiện đúng quy chuẩn đã cam kết, nhằm tạo hiệu quả cao trong việc phát triển, bảo vệ rừng, tạo nguồn thu bền vững từ rừng cho các thành viên. Anh Trần Xuân BRương, Trưởng BQL rừng cộng đồng, thôn 6, Thượng Nhật, Nam Đông cho biết: “Thôn 6 chúng tôi được giao gần 90 ha, chủ yếu là rừng nghèo. Năm 2011, chúng tôi tổ chức trồng 7 nghìn cây Sao đen, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chúng tôi đã vận động bà con trong thôn bỏ kinh phí mua Mây giống về trồng. Trong thời gian không xa nữa bà con sẽ có thu nhập ổn định từ cây Mây”.
Hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng Mây rưới tán rừng tự nhiên
Huyện Nam Đông hiện có gần 52.500 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 86%. Xác định tầm quan trọng trong quản lý, bảo vệ rừng, chỉ trong 2 năm trở lại đây huyện Nam Đông đã tiến hành giao hơn 6.500 ha đất rừng tự nhiên cho hàng trăm cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình quản lý của 10 xã trên địa bàn. Trong đó, xã Thượng Nhật có hơn 800 ha và 2 thôn trực tiếp hưởng lợi. Đây là việc làm cần thiết nhằm phát huy tính tự quản, tự chủ của các thành viên trên diện đất rừng được giao, góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu tình trạng chặt, phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn huyện hiện nay. Trao đổi với chúng tôi Chị Hồ Thị Hòa, Phó chủ tịch xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông nói: “Đến nay bà con ở 6 thôn đã được giao hơn 7.000 ha rừng tự nhiên. Trước đây bà con đã trồng cây Sao đen, để tăng thu nhập trên cùng 1 diện tích đất rừng bà con đã bỏ kinh phí mua giông Mây về trồng. Qua theo dõi, đánh giá ban đầu thì việc trồng Mây dưới tán rừng rất phù hợp với điều kiện thổ những của địa phương”.
Từ thực tế cho thấy công tác giao đất, rừng tự nhiên cho cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình quản lý đã và đang cho hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho người dân được khai thác, sử dụng lâm sản và các lợi ích khác của rừng, góp phần nâng cao kinh tế xóa đói giảm nghèo; đồng thời tạo điểm nhấn đối với cộng đồng về trao quyền sử dụng đất, nâng cao vai trò và thúc đẩy quản lý bảo vệ rừng bền vững.
Theo namdonghue.gov