Nhịp điệu cuộc sống
Nhộn nhịp chợ nông thôn
15:18 | 13/12/2013

Là trung tâm đầu mối trong việc trao đổi, mua bán hàng hoá của người dân và giữa các địa phương nên hàng chục năm nay, hệ thống chợ nông thôn của các vùng quê tỉnh Thừa Thiên Huế luôn đông đúc, nhộn nhịp. Qua đó, đã tạo động lực thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn ngày càng có hiệu quả.

Nhộn nhịp chợ nông thôn

Đến các chợ sáng, chiều, tối của xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) mới thấy hết được sự đông đúc nhộn nhịp nơi đây. Mỗi chợ bán những mặt hàng nhất định như: chợ sáng bán đa dạng các loại thực phẩm, tạp hóa…; chợ đêm chủ yếu bán các mặt hàng rau, củ, quả; chợ chiều bán thủy hải sản nên đã thu hút rất đông người dân khắp mọi nơi trong vùng tụ hội về đây mua bán. Đi dọc lên chợ Thuận An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) cũng lắm kẻ bán, người mua, trong đó có rất nhiều người từ Huế cũng về đây mua hàng và bán hàng.

Tại chợ Lộc Hải, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) không khí buôn bán ở đây khá nhộn nhịp, người mua, người bán tấp nập, hối hả. Lượng hàng hóa tiêu thụ mạnh nhất ở đây chủ yếu vẫn là hải sản, mắm ruốc để phục vụ cho một lượng khách du lịch khá lớn đang lưu trú tại đây. Nhờ vậy, đời sống người dân Lăng Cô ngày một ổn định, nhất là ngư dân đánh bắt thủy hải sản khi sản vật của họ khai thác được luôn được người tiêu dùng nhắm đến.     

Ngược lên huyện miền núi Nam Đông, chợ Khe Tre cũng luôn trong tình trạng đông đúc. Người dân đến đây chủ yếu mua thực phẩm đặc trưng của vùng miền núi như măng tre, rau rừng, cá suối, gà đồi, thơm, mít, cam…; trong đó có nhiều thương lái từ đồng bằng lên đây mua hàng về bán lại nên không khí buôn bán luôn nhộn nhịp. Với lượng mua, bán ngày càng lớn, trong khi đó sức chứa của chợ hạn chế, cơ sở hạ tầng xuống cấp nên vừa qua huyện Nam Đông đã tập trung đầu tư nâng cấp chợ với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, qua đó, đã khắc phục được tình trạng trên, đồng thời tạo một diện mạo mới khang trang cho chợ hoạt động theo hướng ổn định, lâu dài.

Đi đâu, nơi nào, chợ nông thôn cũng luôn đông đúc, nhộn nhịp, bởi ở đó chính là trung tâm đầu mối trong việc trao đổi, mua bán hàng hoá của người dân và giữa các địa phương. Chợ nông thôn hoạt động khá phong phú, khác xa so với chợ thành thị, bởi người dân vùng nông thôn vừa là người bán, đồng thời cũng là người mua hàng. Sản vật họ làm ra đều đem đến chợ bán hoặc trao đổi hàng hóa. Điều này đã trở thành nét văn hóa tồn tại từ bao đời nay nên không khí chợ nông thôn luôn đông vui, nhộn nhịp nhưng rất hiền hòa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình hình hoạt động của các chợ nông thôn ngày càng phát triển, không còn gói gọn phạm vi phục vụ cư dân trong vùng mà đã thu hút nhiều người dân từ khắp mọi miền khác đến mua, bán. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng nêu trên, đó là, chợ nông thôn có những sản vật địa phương rất phong phú, đa dạng hấp dẫn người tiêu dùng; do sức ép về mặt an toàn thực phẩm đang trong tình trạng đáng báo động, thì chợ nông thôn cũng là một điểm đến lý tưởng của nhiều cư dân đô thị; giá cả ở chợ nông thôn luôn rẻ rất nhiều so với chợ thành thị do điều kiện dân cư… Chị Nguyễn Thị Mai, ở phường Vỹ Dạ, một người thường xuyên đi chợ Thuận An nói rằng: “Gia đình tôi rất thích ăn hải sản tươi ngon nên tôi thường xuyên chọn chợ Thuận An để đi. Phải công nhận rằng, hải sản ở đây luôn tươi, ngon nhưng giá cả khá rẻ. Điều quan trọng là chúng tôi muốn mua được thực phẩm an toàn, bởi mua ở Huế nhiều lúc sợ người ta dùng chất bảo quản để ướp hải sản cho tươi”. 

Chợ nông thôn đang ngày một phát triển, đã giúp nhiều địa phương trong tỉnh đẩy mạnh chăn nuôi, sản xuất, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn. Hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội đã rõ, mong rằng, chợ nông thôn vẫn mãi tồn tại như chúng đã tồn tại suốt bao đời nay.

 

Theo Hoàng Trọng Bửu

Các bài mới
Các bài đã đăng