Nhịp điệu cuộc sống
Những phận đời ở “xóm góa phụ”
14:32 | 17/12/2013

Vì những lý do khác nhau mà nhiều phụ nữ ở tổ 11 và 12, thị trấn Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) đã phải sống cảnh “thân cò lặn lội” nuôi con. Nhưng, bằng nghị lực và đức hy sinh cao cả của người mẹ, họ đã vượt qua bao sóng gió của cuộc đời để đem lại cuộc sống mới đầy hy vọng cho những đứa trẻ không cha...

Những phận đời ở “xóm góa phụ”
Bà Nguyễn Thị Muôn hạnh phúc bên những đứa cháu sau nhiều năm làm lụng vất vả nuôi 6 người con

Một ngày cuối năm rét buốt ở xứ Huế, phải hỏi đường rất nhiều lần, chúng tôi mới có thể tìm đến tổ 11, trị trấn Phú Bài. Từ đầu làng, hỏi nhà bà Lê Thị Thúy (50 tuổi), có 5 người con, người dân nơi đây đều bày tỏ xót xa trước số phận tủi cực của người phụ nữ đơn thân này. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, ngày ấy bà Thúy được tiếng xinh đẹp khắp vùng. Phải lòng người con trai cùng thôn nên trước lúc cưới, bà đã trao thân gửi phận cho người mình yêu. Thế rồi, trong lúc bà bụng mang dạ chửa thì người đàn ông nọ đã đem lòng phụ bạc bỏ ra Bắc làm kinh tế, rồi lập gia đình ở luôn ngoài ấy.

“Bị làng xóm chê cười, tui một thân một mình lên vùng đất cát này và nhờ bà con lợp cho mái nhà tranh để chờ sinh nở. Lúc ấy, tui cũng thèm khát được một mái ấm hạnh phúc, có một người đàn ông làm trụ cột, nhưng do duyên số nên tui không thể trách ai được chú à”, bà Thúy nhớ lại những ngày tháng tủi cực. Hài nhi đỏ hỏn năm ấy mà bà Thúy đã một mình “vượt cạn” trong mái nhà tranh nay đã là thiếu nữ 28 tuổi xinh đẹp, cũng vừa xuất giá lấy chồng. Nhưng, hồi đó bà Thúy phần vì hận tình, phần bản tính nhẹ dạ nên lại tiếp tục bị lời đường mật của những người đàn ông Sở khanh quyến rũ... để rồi liên tiếp sinh hạ thêm 4 người con nữa.

Đã trót lầm lỡ, bà Thúy bỏ qua những lời đàm tiếu, gièm pha của người đời, một mình cật lực mưu sinh bằng nghề phụ hồ, cắt cỏ… để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Rưng rưng nước mắt, bà Thúy tâm sự: “Nhiều lúc hết tiền, gạo phải chạy ăn từng bữa nhưng tui vẫn động viên các con cố gắng để học cho được con chữ mới hy vọng sau này có thể đổi đời...”.

Trong 5 người con, hiện 2 con út của bà Thúy là em Lê Thị Hoài Thương (11 tuổi) đang theo học lớp 5 và em Lê Thị Ý Như (7 tuổi) đang theo học lớp 2, Trường Tiểu học Phú Bài. Thương mẹ sớm hôm tảo tần nên hai em luôn nỗ lực đạt danh hiệu học sinh giỏi của nhà trường. Hàng chục năm qua, khu vực mà bà Thúy cùng các con đang sinh sống được nhiều người gọi là xóm “mẹ góa, con côi”, hoặc “xóm góa phụ”. Cái tên này xuất hiện từ khi bà Thúy và những phụ nữ lỡ bước... về đây dựng nhà tranh để nuôi con nhằm tránh sự thị phi của người đời. Sau nhiều năm, “xóm góa phụ” nay có đến gần 15 nóc nhà do những bàn tay của các bà, các chị dựng lên để nuôi con.

Lần theo một địa chỉ được ghi vội trong cuốn sổ tay, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà bà Dương Thị Thúy (40 tuổi, ở tổ 12, thị trấn Phú Bài). Mặc dù đôi chân tật nguyền nhưng vì để “nuôi con chữ” cho 2 con nhỏ, mỗi ngày bà Thúy đều lặn lội đi cắt cỏ thuê, với tiền công 100 ngàn đồng. Mẹ đi làm thuê, trong căn nhà đã xuống cấp chỉ có hai chị em Dương Thị Ngọc Hoàng (học sinh lớp 6, Trường THCS Phú Bài) và em Dương Thị Tú Trinh (học lớp 4, Trường Tiểu học số 2 Phú Bài) đang bảo nhau học tập. “Từ lúc sinh ra cho đến nay, em không biết mặt mũi bố như thế nào cả. Em chỉ nghe mẹ nói bố tên Hải, vì chê mẹ nghèo khó nên đã bỏ đi lấy người khác... Từ đó, hai đứa em và mẹ sống lủi thủi trong căn nhà nhỏ này. Lúc không có ai thuê mướn chi thì mẹ đi mót củi tràm để về bán lấy tiền mua gạo nuôi 2 đứa em...”, em Hoàng bùi ngùi tâm sự.

Nằm cách nhà ba mẹ con chị Thúy không xa là căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Muôn (70 tuổi). Mấy chục năm về trước, bà Muôn là một trong số những người đến định cư để lập nên “xóm góa phụ” này. Cực nhọc, vất vả lẫn nhiều nỗi đau khi đang độ tuổi xuân thì bà đã phải chít vành tang trắng để tiễn đưa chồng sau một cơn bạo bệnh. Từ đó, bà một mình nghị lực nuôi 6 người con khôn lớn, trưởng thành. Hiện các con của bà Muôn đã lập gia đình và đi làm ăn xa. Chỉ có người con gái út tên Nguyễn Thị Thuận bị khuyết tật ở chân nên phải ở nhà may vá để nuôi người con trai đang học lớp 11.

Nhìn mấy đứa cháu đang nô đùa ngoài sân mà lòng bà Muôn nghẹn ngào trong xúc động: “Lúc ông ấy mất đi, tui nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ vực dậy để nuôi nổi các con. Rứa mà bằng nghề phụ hồ, làm mướn... tui đã nuôi các con khôn lớn và giờ đã có cháu nội, ngoại cả rồi. Phía sau nỗi đau là hạnh phúc mà có lẽ chỉ có những người mẹ góa như chúng tôi mới thấu hiểu hết được điều ấy...”.

Ông Nguyễn Văn Tam, Tổ trưởng tổ 12, thị trấn Phú Bài còn cho biết: Phần lớn những phụ nữ đơn thân có đông con nằm trên địa bàn như bà Thúy, bà Muôn... đều thuộc diện hộ nghèo khó của tổ. Những năm qua, chính quyền địa phương đã tạo mọi cách giúp đỡ; nhưng vì hoàn cảnh đưa đẩy, có nhiều chị em suốt 10 năm vẫn không thể thoát nghèo. Hiện chúng tôi đang kêu gọi nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ thêm cho các chị ở “xóm góa phụ” này để các con họ được cắp sách tới trường như bao đứa trẻ khác...

Theo cand.com

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng