Du khách đến Huế, ngoài nhu cầu thăm thú thưởng ngoạn những đền đài lăng tẩm, ai cũng mong được một lần tựa mạn thuyền rồng, nghe làn điệu Huế ngọt ngào, sâu thẳm, bồng bềnh sông nước Hương Giang.
Đặc biệt là những người yêu Huế, muốn thẩm thấu trọn vẹn cái hồn, cái tình của Huế ẩn sâu trong thú chơi nghệ thuật tinh tế đặc sắc dân ca.
Ca Huế - làn điệu dân gian mà bác học
Trước đây, nhiều người cứ cho rằng, những làn điệu Huế bắt nguồn từ âm nhạc cung đình, nên ca Huế trên sông Hương là thú vui tao nhã của những ông hoàng, bà chúa...
Ca Huế không phải bắt nguồn từ âm nhạc cung đình, mặc dù hai dòng nhạc này có sự giao thoa tác động qua lại lẫn nhau. Ca Huế thuộc loại hình âm nhạc cổ điển mang hai yếu tố âm nhạc dân gian và bác học, được nâng cao thành chính quy trong các buổi tế tự lễ tiết cung đình.
Vì thế ca Huế rộng rãi không dành riêng cho một tầng lớp nào cả, thậm chí ca Huế còn hình thành và phát triển trước khi vùng đất Phú Xuân trở thành kinh đô của nhà Nguyễn.
Thế nên, đò hát trên Sông Hương xưa không phải cứ là thuyền rồng, thuyền phụng như bây giờ, mà đò khách loại lớn, tùy vào lượng người nghe mà để đò đơn, hay kết đò đôi thành một sân khấu di động trên sông. Trong khoang đò hát không khí ấm cúng thanh khiết, quanh chiếc chiếu cạp điều thính khách, ca nhi, nhạc công quây quần như một salon âm nhạc. Ban nhạc trên đò tuy không đông nhưng phải đủ trống, kèn, nhị, nguyệt, đàn tranh, sáo trúc, còn phách thì do chính ca nhi kiêm giữ.
Ca Huế được chia thành hai điệu chính, điệu khách (hay còn gọi là điệu Bắc và điệu Nam). Điệu Bắc thì trang trọng vui tươi, âm sắc trong sáng, rộn rã như cổ bản, long ngâm, hành vân, long điệp... Điệu Nam thì trữ tình sâu lắng xen lẫn cái da diết bi thương, thổn thức như Nam ai, nam bình, tương tư khúc...
Ngoài hai điệu chính, ca Huế còn có nhiều hơi nhạc như thương, ai, xuân, thiền... để diễn tả những cung bậc sắc thái tình cảm khác nhau khi thể hiện. Chính hơi nhạc đã làm cho các danh ca, danh cầm Huế không còn là người diễn xướng đơn thuần những làn điệu có sẵn, mà là đất để họ tạo nên sự khác biệt trong khổ luyện tài hoa. Chỉ cần qua sự khác biệt trong luyến giọng, rung làn, thả điệu là người ta biết được công phu khổ luyện nghề nghiệp của ca nhi đến đâu.
Đêm nghe ca Huế trên Sông Hương được coi lý tưởng nhất thường bắt đầu thả đò từ bến Chùa Thiên Mụ ngang qua kinh thành xuôi về đến Vỹ Dạ. Những đêm trăng thanh, gió mát Sông Hương mờ ảo trong lãng đãng sương giăng, du khách tựa mạn thuyền, nhâm nhi ly rượu nhỏ thả hồn theo nhịp phách, tiền dìu dặt thì chẳng khác nào như lạc vào miền cổ tích thơ mộng.
Thú chơi nghệ thuật đặc sắc tinh tế tao nhã này không chỉ làm say lòng tao nhân mặc khách, mà còn lôi cuốn cả các bậc vương tôn, công tử chốn kinh thành. Vì thế, ca Huế trên sông đã được người dân Cố đô trân trọng giữ gìn và phát triển qua hàng trăm năm, trước bao biến cố thăng trầm của lịch sử như một tài sản vô giá của miền Sông Hương Núi Ngự.
Ca Huế, loại hình dịch vụ hái ra tiền
Ngày nay, du khách đến Huế ngày một đông, nhu cầu thưởng thức ca Huế trên sông ngày một lớn. Vì thế, ca Huế trên sông đã trở thành một dịch vụ du lịch hái ra tiền, dẫn đến tình trạng trăm hoa đua nở thuyền rồng, thuyền phụng, ca sỹ, nhạc công đã rất phát triển đến mức khó kiểm soát.
Tình trạng chạy xô, giảm tối đa số lượng nhạc công, ca sỹ, giảm thời gian biểu diển, rút ngắn khoảng cách thả đò hầu như diễn ra thường xuyên...
Thời gian qua, các cấp ngành chức năng ở Thừa Thiên - Huế đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, thậm chí có hẳn cả một đề án chuyên đề về quản lý biểu diễn ca Huế trên sông Hương, trong đó có 6 điều cấm: Cấm rút ngắn thời lượng, thay đổi chương trình làm ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật, cấm bán các loại băng, đĩa trái phép khi tham gia biểu diễn ca Huế; không được lợi dụng ca Huế làm tổn hại đạo đức, lối sống, suy giảm giá trị nghệ thuật của loại hình nghệ thuật này; cấm nuôi gia súc, gia cầm và bố trí người ăn ở, sinh hoạt trên thuyền ca Huế; tẩy xóa, chỉnh sửa, mua bán, trao đổi và chuyển nhượng giấy phép biểu diễn ca Huế; cấm tranh giành khách, ghép khách dưới mọi hình thức…
Những nỗ lực chấn chỉnh của các cấp ngành chức năng ở Thừa Thiên - Huế không ngoài mục đích trả lại cho ca Huế trên sông Hương môi trường thưởng ngoạn nghệ thuật lành mạnh vốn có. Để ca Huế trên sông thực sự trở thành giá trị tinh thần, văn hoá đặc sắc của vùng đất Cố đô.
Theo LV ( Dân Việt)