Nhịp điệu cuộc sống
Nam Đông quan tâm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
09:34 | 25/12/2013

Là địa phương có đến 44,5% đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng dân số toàn huyện. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vốn có của mình, thời gian qua, huyện đã quan tâm trong công tác này và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nam Đông quan tâm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được huyện Nam Đông đặc biệt coi trọng. 10 kỳ “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế” do tỉnh tổ chức thường niên định kỳ 2 năm một lần cũng đều được Nam Đông tham gia tích cực và duy trì đều đặn trong suốt hơn 20 năm qua. Nhiều lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc như: Lễ hội vào nhà mới, lễ hội cơm mới, lễ hội đâm trâu, lễ hội đám cưới, làm nhà mồ, lễ hội vào nhà gươl… cũng được tổ chức thường xuyên, tạo nên nét sinh hoạt văn hóa độc đáo và đặc sắc của vùng miền núi này. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều vị già làng, trưởng bản nói rằng, họ vô cùng tự hào và sung sướng khi các phong tục, tập quán của dân tộc mình đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và chăm lo.

Việc sưu tầm và bảo quản hiện vật của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được chú trọng. Đến nay, đã có hơn 100 hiện vật mà chủ yếu là của đồng bào dân tộc Cơ tu được phát hiện, lưu giữ tại Nhà văn hóa của huyện vừa tạo điều kiện cho người dân, các nhà khoa học đến tham quan, chiêm ngưỡng và nghiên cứu; vừa làm tốt công tác bảo tồn văn hóa; đồng thời, qua đó, còn giáo dục truyền thống cho mọi người, nhất là người đồng bào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình để phát huy, gìn giữ lâu dài.

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Nam Đông không chỉ dừng lại ở các lễ hội, sưu tầm, bảo quản hiện vật… mà còn đưa vào sản phẩm du lịch để giới thiệu cho du khách gần, xa. Phát huy lợi thế có thác Kazan hùng vĩ, ẩn mình bên thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, thời gian qua, huyện Nam Đông đã tập trung phát triển du lịch sinh thái nơi đây. Sản phẩm du lịch là những tiếng cồng chiêng hòa trong các điệu múa, lời ca; nghe tiếng kèn sừng dê; thưởng thức món ăn của người đồng bào như cơm ống tre, cá suối nướng, lợn nướng… hay ngắm nhìn những tấm vải thổ cẩm tuyệt vời, mật ong rừng thơm ngon, các sản phẩm đan lát truyền thống tuyệt đẹp của bà con dân tộc. Tất cả đang mời gọi du khách gần, xa tìm về nơi đây để tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, cùng hòa mình vào dòng thác Kazan hùng vĩ. Theo thống kê, hàng năm ngoài khách trong nước, thôn Dỗi còn đón từ 25 - 30 đoàn khách nước ngoài, trong đó nhiều nhất vẫn là du khách đến từ Nhật, Hà Lan và New Zealand. Theo nhiều người dân ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ cho biết, nhờ phát triển du lịch bà con biết làm ăn, biết bảo vệ môi trường và yêu quý văn hoá của mình nhiều hơn.

Được biết, hiện nay, trong định hướng lâu dài của huyện về công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, ngoài việc tiếp tục phát huy những thành quả đáng quý trong thời gian qua, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục công việc sưu tầm hiện vật của đồng bào dân tộc thiểu số; vận động người dân gìn giữ vốn quý văn hóa của mình; tích cực đẩy lùi những tập tục lạc hậu như ăn uống linh đình, tốn kém; tảo hôn, thách cưới… để nét đẹp văn hóa của người dân tộc miền núi Nam Đông mãi mãi đẹp trong lòng mọi người.

 

Theo HĐND Huế

Các bài mới
Các bài đã đăng