Nhịp điệu cuộc sống
Đánh giá giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tại Thừa Thiên Huế
14:32 | 27/12/2013

Chiều ngày 25/12, Đoàn công tác Liên ngành Trung ương về đánh giá giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 và định hướng giảm nghèo bền vững đến năm 2020 do đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Đánh giá giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tại Thừa Thiên Huế

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 3 năm (2011-2013), tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh hơn 192,4 tỷ đồng. Các chương trình, chính sách giảm nghèo như dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn ĐBKK; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình… đều được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện tốt và đạt nhiều kết quả tích cực.

Tỉnh đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách giảm nghèo, trong đó cho hơn 47 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi với số vốn gần 627 tỷ đồng; đào tạo miễn phí cho 1.393 lao động thuộc hộ nghèo với kinh phí 3,9 tỷ đồng; đã hỗ trợ cấp bù học phí cho 24.235 lượt sinh viên, hỗ trợ kinh phí học tập cho 290.731 HS với tổng kinh phí gần 252 tỷ đồng; cấp 271.457 thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số với kinh phí hơn 143 tỷ đồng, hỗ trợ mua thẻ BHYT đối với hộ cận nghèo cho 106.172 lượt người với kinh phí 37,6 tỷ đồng.

Tỉnh cũng đã thực hiện tốt chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, chỉ tính trong tháng 9/2013, toàn tỉnh chi trả trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho 41.577 đối tượng với kinh phí hàng tháng trên 8 tỷ đồng. Trong 3 năm đã hỗ trợ 24,7 tỷ đồng tỷ đồng tiền điện cho hộ nghèo (30 ngàn đồng/hộ/tháng).

Nhìn chung, từ năm 2011-2013, công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả cao, thể hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 1,5-1,7%, khoảng cách chênh lệnh về nghèo giữa các vùng, các địa phương ngày càng thu hẹp, nếu như năm 2011 toàn tỉnh có 18 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25%, thì đến cuối năm 2013 chỉ còn duy nhất 01 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% (xã Hồng Thủy, huyện A Lưới). Các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất đối với hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số như: nhà ở, y tế, giáo dục, việc làm, vốn vay… đã được quan tâm giải quyết, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhân dân và chính quyền địa phương, góp phần ổn định chỗ ở, chăm lo sức khẻo cho người nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương.

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao kết quả thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong 3 năm qua, thể hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững trong từng năm. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hoàng Long đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác giảm nghèo, trong đó phải đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào chỉ tiêu KT-XH hàng năm của tỉnh và các địa phương, gắn trách nhiệm giảm nghèo là trách nhiệm chung của các ngành, các cấp và cần có sự phối hợp đồng bộ. 

* Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế và  một số bộ ngành liên quan đã có buổi làm việc với UBND huyện Phong Điền để đánh giá giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2013.

Qua 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, cuối năm 2013, tỷ lệ  hộ cận nghèo của Phong Điền giảm còn 2.802 hộ, chiếm tỷ lệ 8,31%; hộ nghèo giảm xuống còn 1.841 hộ chiếm tỷ lệ 7,35%, giảm được 6,98%, với 1.043 hộ thoát nghèo, bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,32%. Bên cạnh đó, UBND huyện Phong Điền đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật các mô hình giống cây, con năng suất cao cho người nghèo phù hợp với điều kiền và đặc điểm sinh thái, tạo điều kiện để bà con tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và hiệu quả cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống; chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, cận nghèo được sự quan tâm và hỗ trợ…

Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa trong xóa đói giảm nghèo mà nội lực được khai thác, sức dân được huy động tối đa cho việc xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, số người nghèo được thụ hưởng các thành quả kinh tế-xã hội ngày càng nhiều.


Theo TRT

 

Các bài mới
Các bài đã đăng