Nhịp điệu cuộc sống
“Ngân hàng máu sống” ở huyện
09:16 | 09/01/2014

Dù đang giữa vụ gặt cứu lúa chạy lũ khẩn bách, hay trong tiết giảng bài căng thẳng, hoặc dang dở cuốc xe ôm chở khách trên đường đêm khuya khoắt…, song hễ nghe có điện thoại báo cần giúp sức cấp cứu, những thành viên “ngân hàng máu sống” (NHMS, thuộc Hội Chữ thập Đỏ huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế), lại gác bỏ mọi công chuyện để lập tức rời làng lên phố hiến máu cứu người.

“Ngân hàng máu sống” ở huyện
Nguồn “máu sống” của huyện Phong Điền góp phần cứu sống hàng trăm mạng người từ nhiều năm qua

Góp máu cứu bệnh nhân Hứa Cẩm Tú

Gọi điện cho lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ huyện Phong Điền hẹn lịch làm việc, đầu dây bên kia, nghe người lạ loáng thoáng đề cập chuyện hiến máu, Chủ tịch huyện hội Đoàn Văn Lai trả lời như theo phản xạ: “Anh ở đâu vậy. Có phải người thân cần “máu sống” không, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng ngay”.

Thì ra, đường dây nóng về tiếp nguồn máu sống luôn nối thông 24 giờ mỗi ngày này, được huyện Phong Điền duy trì từ ngót nghét gần chục năm. Với ngần ấy thời gian, Câu lạc bộ NHMS huyện Phong Điền góp phần cứu sống hàng trăm nhân mạng mắc bệnh hiểm, trọng thương do tai nạn, tai biến thai sản thập tử nhất sinh ở bệnh viện tuyến trên.

Hứa Cẩm Tú là trường hợp bệnh nhân “ngoại tỉnh” đặc biệt. Tú trú tận thành phố Cần Thơ, ra Huế thực hiện ca ghép thận lịch sử. “Một ngày đầu tháng 7/2012, nhận được yêu cầu từ Bệnh viện T.Ư Huế, các thành viên CLB sẵn sàng lên đường. Sau hai ngày hồi hộp túc trực tại bệnh viện, chỉ có 2 thành viên được sàng lọc đủ điều kiện lấy tiểu cầu giúp cho ca mổ đầu tiên của chị Tú.

Tiêu chí hiến tiểu cầu khắt khe lắm, yêu cầu cao hơn nhiều so với hiến máu bình thường. Dù ca ghép thận lịch sử này phải trải qua thêm 9 lần mổ sau đó nữa mới thành công, với nhiều đợt hiến máu khác, nhưng lần cho tiểu cầu đầu tiên đó với bệnh nhân Tú khiến anh em chúng tôi không thể nào quên. Đó là một vinh dự”, một thành viên nhớ lại.

Thay cả dòng họ hiến máu cứu người

Một dịp đang mùng 4 Tết, trên đường đi chúc xuân người thân, ông Lai nhận điện thoại có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nguy kịch cần tiếp tiểu cầu. Ông và 3 người khác bỏ dở cuộc vui tức tốc lên phố. Do gia cảnh quá khó khăn, bệnh nhân không xoay đủ chi phí mua bộ lọc lấy tiểu cầu, các thành viên hiến máu gom vội tiền túi mang theo mua ngay thiết bị chuyên dụng trị giá hơn 3 triệu đồng giúp bệnh nhân nghèo thoát hiểm.

Một thành viên CLB đang lúc chuẩn bị cho lễ hỏi vợ vào sáng hôm sau, khi được yêu cầu hiến nhóm máu cực hiếm (BRH -) để cấp cứu bệnh nhân, anh tạm dừng công chuyện riêng tư sốt sắng đến bệnh viện góp máu cứu người ngay giữa đêm.
Rồi khi cả chục thanh niên dân tộc thiểu số dù không có tên trong danh sách huy động vẫn băng đèo lội suối từ bản làng xa xôi hẻo lánh để về huyện xin tham gia hiến máu. Có một cựu chiến binh lớn tuổi túc trực suốt gần hai ngày đêm ở bệnh viện nhưng vẫn không được lấy máu nên đành quay về lúc rạng sáng. Giữa đường, nghe người bệnh tiếp tục cần giúp đỡ, ông vội quay ngược lại thành phố để thực hiện nghĩa cử cứu người cao đẹp.

Có em sinh viên dành luôn phần quà bồi dưỡng ít ỏi khi đi hiến máu để tặng lại người bệnh đang cấp cứu tại bệnh viện. Hay chuyện một bà lão vì muốn đi hiến máu cứu người đã cố tình khai tụt năm sinh để bảo đảm tiêu chí về độ tuổi cho máu…

Năm 2013, CLB NHMS huyện thực hiện 65 lượt đưa đón thành viên vào bệnh viện để hiến máu cứu giúp 21 trường hợp mắc bệnh hiểm hoặc tai nạn nguy kịch. Đặc biệt, có trường hợp như bệnh nhân Nguyễn Thị G., cần 12 đơn vị máu tươi (nhóm A-B) truyền trực tiếp để mổ tim.

“Người thuộc nhóm máu này rất ít, cứ 100 người mới có vài người. Theo tính toán, để tìm đủ lượng người cho máu hiếm, cả gia đình, dòng họ, bạn bè, người thân lối xóm của chị G. cần phải thuê đến 6 chiếc xe ca loại 50 chỗ để đưa đón từ 250 đến 300 người đủ sức khỏe vào bệnh viện ở thành phố Huế khám sàng lọc, phân tích trong hai ngày. Như vậy rất tốn kém.
Thế nhưng chỉ với 10 thành viên tình nguyện của CLB chúng tôi, đã đảm nhiệm được trọn vẹn yêu cầu trên. Bệnh nhân được cứu chữa kịp thời, mà gia đình tiết kiệm được đến 20 triệu đồng chi phí truyền máu”, ông Lai kể.

“Ngân hàng máu sống” huyện Phong Điền hiện có 152 thành viên. Đây là một trong số ít địa phương có nguồn quỹ nhân ái phục vụ NHMS khá dồi dào, với hơn 234 triệu đồng. Qua phong trào hiến máu tình nguyện và duy trì, phát triển câu lạc bộ NHMS thời gian qua, tại Phong Điền xuất hiện nhiều điển hình nổi bật như anh em Trần Ngọc Châu, Trần Ngọc Kỳ (người dân tộc thiểu số bản Hạ Long - xã Phong Mỹ), với trên 20 lần hiến máu tình nguyện; anh Võ Đình Lầm (nghề xe ôm): 15 lần hiến máu; anh Nguyễn Văn Dũng (Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền): 32 lần hiến máu; gia đình ông Đoàn Văn Lai (Hội Chữ thập đỏ huyện), với nhiều thành viên cùng tham gia hiến máu qua nhiều năm…Đặc biệt, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện là những người rất “mê” hiến máu nhân đạo.

Theo Anh Phạm (Tiền phong)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng