Nhịp điệu cuộc sống
Lớp học của người thầy giáo khuyết tật
14:42 | 17/01/2014

Dù một chân bị bại liệt, nhưng chàng trai Trần Công Đông (29 tuổi, quê ở thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đã nghị lực vượt lên số phận tật nguyền để trở thành giáo viên dạy nghề mộc mỹ nghệ. Suốt nhiều năm qua, người thầy giáo khuyết tật ấy đã lặng lẽ ươm mầm tương lai cho hàng trăm trẻ khuyết tật, bất hạnh... 

Lớp học của người thầy giáo khuyết tật
Lớp mộc mỹ nghệ của trẻ khuyết tật do thầy Đông đứng lớp

Tôi tình cờ gặp thầy giáo Đông khi cùng một đoàn từ thiện của nhóm sinh viên Đại học Huế đến thăm các em khuyết tật đang học nghề tại Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm (DN&TVL) cho người tàn tật tỉnh Thừa Thiên - Huế vào một ngày cuối năm 2013. Vừa chỉ bảo cách đục đẽo các chi tiết hoa văn trên một phiến gỗ lớn cho học trò, thầy Công cũng tâm sự: “Mình gắn bó với Trung tâm này như duyên số được định sẵn từ trước...”.

Nhớ lại những ngày tháng sống trong cảnh tật nguyền, nhiều khi còn bị bạn bè trêu chọc, Đông bồi hồi kể lại rằng, anh sinh ra trong một gia đình có 6 anh em, bố anh là ông Trần Văn Đuổi, thương binh hạng ¼ nên cuộc sống của mấy anh em ngày ấy đều phụ thuộc vào gánh hàng rong của mẹ. Năm 2 tuổi, trong một trận sốt “thập tử nhất sinh”, Đông được chuyển đến viện cấp cứu và tiêm thuốc hạ sốt; nhưng do biến chứng nên từ đó chân phải của anh dần bị teo nhỏ và bị liệt hoàn toàn. Dù hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng ngày ấy, bố của anh luôn động viên các con cố gắng học thành tài. Thế nhưng, vì quá nghèo nên mấy anh em Đông đều phải nghỉ học khi vừa tốt nghiệp lớp 12.

“Lúc ấy, để có thể tự đi học được như các bạn, bố đã “chế” cho mình chiếc nạng gỗ. Mình gắn bó với chiếc nạng như vật “bất ly thân”. Nhiều lúc, đường đến trường quá xa ngái nên mình định nghỉ học, nhưng được gia đình động viên nên mình đã cố gắng vượt qua tất cả...”, ký ức về những ngày tháng gian nan như hiện ra trong đôi mắt của chàng trai giàu nghị lực này.

Dù ước mơ được một lần bước vào giảng đường đại học, nhưng vì hoàn cảnh nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, năm 2005, Đông quyết định làm đơn xin vào học nghề mộc mỹ nghệ tại Trung tâm DN&TVL cho người tàn tật tỉnh Thừa Thiên-Huế. Với chí cầu tiến và nghị lực vượt khó, Đông luôn được các thầy cô giáo ở Trung tâm thương mến và tận tình giúp đỡ. Sau 4 năm học, thấy tài năng vượt trội của cậu trò nghèo, Giám đốc trung tâm đã nhận Đông ở lại để dạy nghề cho các em khuyết tật…

Hiện tại, lớp của thầy giáo Đông có 26 em bị khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ và câm, điếc bẩm sinh theo học. Cầm tay cậu học trò nhỏ có đôi chân bại liệt đang ngồi trên xe lăn để dạy cách chạm khắc từng đường nét trên chiếc bình hoa gỗ, thầy giáo Đông không giấu được nỗi lòng: “Bản thân là người khuyết tật nên khi thấy mấy em khuyết tật, bại liệt... đến Trung tâm xin học nghề, thú thật là mình rất thương. Bởi thế mà sau khi nhận các em vào, mình và các thầy cô ở Trung tâm đã nỗ lực hết sức để các em sớm được thành nghề”. Chính sự quyết tâm ấy mà sau nhiều năm, hiện lớp của thầy Đông có khoảng 15 em khuyết tật có tay nghề cao.

Để tạo việc làm cho các em với mức thu nhập mỗi tháng  từ 1-1,5 triệu đồng, thầy Đông đã đề xuất Trung tâm nhận những đơn đặt hàng mộc mỹ nghệ từ các cơ sở để giúp các em vừa có cơ hội thực hành nghề vừa kiếm thêm thu nhập.

Em Trương Quang May (14 tuổi, quê ở thôn Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) chia sẻ trong niềm xúc động: “Bố mẹ em đều bị bệnh nặng, chân em lại bị tật nguyền nên không thể làm được việc gì để giúp đỡ bố mẹ. Từ khi em được nhận vào Trung tâm và được thầy Đông ân cần dạy nghề, mỗi tháng em tiết kiệm được gần 500 ngàn đồng để gửi về cho mẹ thuốc thang. Em mang ơn thầy lắm...”.

Ngoài giúp đỡ những mảnh đời vượt lên số phận tật nguyền, thầy giáo Đông còn là tấm gương sáng trong phong trào TDTT người khuyết tật ở tỉnh Thừa Thiên- Huế. Năm 2007, Đông tham gia Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc được tổ chức tại TP Huế. Lần ấy, Đông đã nỗ lực để “rinh” về cho tỉnh nhà tấm huy chương Đồng ở bộ môn cầu lông xe lăn. Với bộ môn này, 3 năm sau, Đông vinh dự được sang Indonesia để tham dự Asean Paragames. Thế nhưng, lần này vì lý do sức khỏe nên Đông không gặt hái được thành tích như mong đợi.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm DN&TVL cho người tàn tật tỉnh Thừa Thiên-Huế còn cho biết: “Thầy Đông là tấm gương sáng để các em khuyết tật học nghề ở Trung tâm noi theo. Nhờ sự nỗ lực vượt khó của thầy Đông và các thầy cô giáo khác mà Trung tâm hiện đang dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 150 người khuyết tật. Năm 2011, Trung tâm đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen”.

Giờ đây, đồng hành trên chặng đường ươm mầm tương lai cho trẻ khuyết tật của thầy Đông còn có người con gái tật nguyền, cũng là vợ anh, Trần Thị Gái (29 tuổi) và cậu con trai kháu khỉnh 5 tuổi đầu. Chia tay tôi, thầy giáo Đông chia sẻ: “Ngoài việc dạy nghề, mình còn dạy các em kỹ năng sống, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục các em những điều nên làm và không nên làm để tránh các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... Các em học thành nghề và có thể sống bằng sức lao động của bản thân là điều mà mình luôn trăn trở và mong ước nhất...”

 

Theo Lê Anh (CAND)
 

Các bài mới
Các bài đã đăng