Nhịp điệu cuộc sống
Đổi đời nhờ hoa Tết
08:23 | 22/01/2014

Hàng chục năm qua, người dân xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) đã chọn nghề trồng hoa như một nghề truyền thống. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, các loại hoa được trồng ở vùng quê này lại tỏa đi khắp nơi, cung ứng cho thị trường hoa Tết ở khu vực miền Trung. Nhờ thế mà nhiều nông dân đã thu từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng nhờ bán hoa Tết… 

Đổi đời nhờ hoa Tết

Còn gần 10 ngày nữa mới đến Tết Giáp Ngọ, nhưng những ngày này, Tết dường như đến sớm hơn với người dân ở làng hoa Tiên Nộn, Phú Mậu; bởi cảnh tấp nập thu hoạch hoa bán cho các thương lái. Đứng bên vườn hoa lan Mokara, một giống hoa lan quý vừa được nhập về trồng cách đây chừng 1 năm, ông Lê Văn Lự (58 tuổi) không giấu được niềm vui: “So với mọi năm, năm nay gia đình trồng được 3.000 gốc ly ly và 500 gốc lan Mokara cùng 3 sào hoa cúc. Nếu thời tiết thuận lợi thì hoa sẽ nở trúng vào dịp Tết và giá bán hoa ly ly sẽ đạt 50.000 đồng/gốc, hoa lan 10.000 đồng/cành… Như vậy là gia đình đã thu được lãi cao rồi đó chú”.

Đến thăm vườn hoa trồng tập trung rộng hơn 2ha của HTX Phú Mậu 2 mới thấy được sự tấp nập, rộn ràng của vụ hoa Tết năm nay. Bởi như ông Lự nói: “Năm nay các loại hoa Tết của bà con nông dân đều bán trên giá. Có lẽ do những trận bão, lụt vừa qua đã làm cho hoa ở các tỉnh chết nhiều, riêng người trồng hoa ở Huế có kinh nghiệm trong cách phòng chống với thời tiết xấu nên số diện tích hoa bị thiệt hại không đáng kể”.

Theo ghi nhận, chỉ trong một buổi sáng 21/1, đã có khoảng 30 lượt xe tải về vườn hoa tập trung của HTX Phú Mậu 2 để vận chuyển hoa đi bán ở các nơi. Theo ông Trần Vãng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu thì toàn xã có khoảng 2.200 hộ dân nhưng có đến 1/4 số hộ dân tham gia trồng hoa Tết với tổng diện tích trên 11ha. “Những năm qua, bà con nông dân đã áp dụng nhiều phương pháp kỹ thuật trồng hoa; các giống hoa tulip, ly ly, cúc… đều được Viện Rau quả TW tuyển chọn kỹ càng nên bà con trồng rất yên tâm. Nhờ thế mà vụ hoa Tết năm nào, thu nhập của người trồng hoa đều đạt từ 150 triệu đồng/ha… Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng ở một xã thuần nông như Phú Mậu”, ông Vãng vui mừng cho biết thêm...

Mỗi năm, bình quân người dân Phú Mậu trồng luân phiên 3 vụ hoa để cung ứng vào các dịp rằm tháng 4, tháng 7 và Tết cổ truyền Đoan Ngọ. Mỗi vụ hoa kéo dài 3 tháng với tổng mức đầu tư khoảng 20 đến 50 triệu đồng/1ha. Tính ra, người trồng hoa thu lời trên 100 triệu đồng. Nhờ thế mà Phú Mậu ngày càng xuất hiện nhiều “triệu phú” nhờ hoa Tết như hộ ông Lê Văn Lự, Trần Thanh Tâm, Nguyễn Mười…    Ngoài các làng hoa Tết truyền thống thì Phú Mậu còn nổi tiếng nhờ có làng hoa giấy Thanh Tiên. Mỗi dịp cuối năm, người dân ở làng Thanh Tiên lại tất bật với nghề làm hoa giấy truyền thống của mình. Các sản phẩm được làm từ giấy như hoa cúc, hoa lay ơn… đặc biệt là hoa sen được các nghệ nhân ở thôn Thanh Tiên cẩn trọng uốn nắn, sắp đặt để làm nên sản phẩm được thị trường toàn quốc ưu chuộng. Nghệ nhân Thân Văn Huy, người đầu tiên phục hồi hoa sen bằng giấy được Sách kỷ lục Việt Nam ghi danh vào năm 2010, bộc bạch: “Để trồng cây hoa nở đúng dịp Tết đã khó thì nghề làm hoa giấy càng khó gấp bội lần. Tuy nhiên, vì muốn lưu giữ nghề truyền thống của cha ông từ ngàn xưa mà con cháu ở làng Thanh Tiên chúng tôi đã cố gắng học và theo nghề đến cùng…”.

Đến nay, toàn thôn Thanh Tiên có hàng chục cơ sở sản xuất hoa giấy, đặc biệt là hoa sen để cung ứng khắp các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng… Và nhờ có nghề truyền thống này mà con em trong thôn được học hành đầy đủ, bộ mặt thôn xóm được khởi sắc hơn trước. Năm mới đang cận kề và thêm một tín hiệu vui cho người làm hoa giấy Thanh Tiên khi tới đây, UBND xã Phú Mậu sẽ làm hồ sơ để công nhận thương hiệu độc quyền cho làng hoa giấy Thanh Tiên trên 300 năm tuổi này.

 

Theo Lê Anh (CAND)

Các bài mới
Các bài đã đăng