Nhịp điệu cuộc sống
Hoa mai và Tết Huế
07:56 | 25/01/2014

Huế những ngày giáp Tết, hoa mai nở vàng các nhà vườn Kim Long, Thủy Xuân, Nguyệt Biều..., trong các vườn chùa Trà Am, Từ Hiếu, Từ Đàm, Thiên Mụ... lịch lãm và đằm thắm. Hoa mai giống như sức sống của đất trời và con người xứ Huế, qua gian truân lại vươn lên. Hoa mai nhiều là thế, nhưng hơn hẳn các loài hoa quý hiếm, người Huế luôn dành cho hoa mai một tình cảm đặc biệt, linh thiêng đầy bí ẩn. Cành mai Huế ẩn chứa nhiều huyền thoại lý thú...

Hoa mai và Tết Huế
Du khách trầm trồ trước một chậu mai cảnh Huế.


Năm 1975, tôi là bộ đội giải phóng từ Sài Gòn về ăn cái Tết đầu tiên của Huế. Chiều 30 Tết tôi dắt cháu nhỏ con anh bạn đi chợ hoa Tết ở Thương Bạc. Đi dạo, ngắm, mãi mới chọn mua được một cành mai ưng ý để cắm bàn thờ Tết nhà anh bạn. Tôi còn mua một cành mai nhỏ xíu cho cháu con anh bạn cầm chơi. Trên đường về, qua cầu Trường Tiền, cháu bé mỏi tay lôi cành mai lệt sệt như kéo một cành củi.

Bỗng có bà cụ bán bánh dạo dừng gánh bên đường gọi chúng tôi lại và bảo :"Hoa mai thiêng lắm, để cháu nhỏ lôi như rứa là không nên "( không nên tiếng Huế tức là phạm thượng). Vậy là tôi hiểu thêm một nét văn hóa Huế sâu thẳm ẩn sau mỗi cành mai vàng xứ Huế! Chả thế mà dù có trăm thứ hoa đẹp, ở Huế ngày Tết nhà nào cũng phải có cành mai cắm trước bàn thờ hay phòng khách. Nhà nghèo thì mua cành mai nhỏ, nhà khá giả thì sắm chậu mai thế, mai cảnh. Ở Huế, không chỉ các gia đình thờ Mai, mà hầu hết các cơ quan, công sở nhà nước cũng cắm cành mai đón Tết rất chỉn chu, trang trọng trước bàn thờ Tổ quốc dưới ảnh Bác Hồ, bên bánh chưng xanh, câu đối đỏ. Nhu cầu mai Tết ở Huế lớn đến mức phải có năm bảy chợ bán mai.

Chợ mai lớn nhất là trước Phu Văn Lâu. Từ ngày 22, 23 tháng Chạp, mai đã về vàng rực phố chợ, mãi tới gần Giao Thừa mới vãn! Dân buôn mai từ giữa tháng 9 âm lịch đã bủa đi đặt cọc mua mai ở các vườn gia đình. Họ thuê kỹ thuật chăm sóc, hái lá mai, tiêm thuốc... để mai nở đúng Tết. Người Huế quan niệm rằng, hoa mai thiêng liêng, ngày Tết cưa mai để bán là xui. Họ cứ để mai nở vàng rực trước sân nhà như khí thiêng đất trời để đón khách, đón xuân. Hoa mai không chỉ là loại hoa chính trong Tết Huế, mà đằng sau mỗi cành mai còn ẩn chứa nhiều sự linh ứng thời vận và niềm tin tương lai.
Người Huế có tục lệ, sáng Mồng Một Tết, cả nhà đều xúm bên cành mai nghiêng ngó chăm chú xem có bông nào nở sáu cánh không. Hoa mai thường nở năm cánh còn nở sáu cánh (hay bảy tám cánh ) là chuyện hiếm. Người ta coi đó là điềm hên, là báo hiệu tài lộc năm mới. Người ta còn xem đoán vận hạn chủ nhân qua cành mai Tết: Hoa tươi hay héo giữa chừng, héo ở ngọn hay ở gốc, ở nhánh bên phải hay bên trái để đoán định sức khỏe từng người trong gia đình rồi búp hoa mập hay bé, hoa tươi hay không tươi, thế song thân, tiền, hậu... Hoa mai ngày Tết Huế gắn liền với những huyền thoại thiêng liêng như thế nên người Huế rất quý hoa mai.

Nhà thơ thầy giáo Mai Văn Hoan (Trường Quốc Học) tuần sau Tết nọ, đi ngang qua một vườn nhà, thấy một cành mai đã khô vứt dưới gốc cây trứng gà, tê lạnh, khẳng khiu trong rét tháng Giêng. Thế là nhà thơ vội xé tập bản thảo thơ trên tay, bọc gốc mai mang về cắm lọ hoa trên bàn viết, tưới cho mai nước ấm. 3 ngày sau, cành mai rụng hết lá hoa ấy đã tươi lại Và những búp mai vàng lại nhú. Và thi sĩ của chúng ta đã làm thơ về những bông mai hồi sinh ấy!

Nói về nguồn gốc của hoa mai, nhà thơ Xuân Hoàng khăng khăng rằng, khách thơ là người có công đầu trong việc đưa giống mai rừng tận núi xa về với con người bằng cách bọc hạt mai trong vạt áo ấm: "Bỗng một ngày kia một khách thơ/ gặp hoa trong núi, ngẩn ngơ chờ / mai già đến độ ươm nên hạt / mang giống về xuôi, tự bấy giờ..." Nguyễn Đình Chiểu, khi mắt đang sáng, thời gian học ở Huế, có câu thơ rất hay về hoa mai vàng: "Hữu tình thay ngọn gió đông/Cành mai nở nhụy lá tòng reo vang". Còn Chu Thần Cao Bá Quát sinh thời thường ngâm hai câu thơ chữ Hán: Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái hoa mai (Lâu nay người ta truyền tụng hai câu thơ này là của Chu Thần, nhưng các nhà nghiên cứu xác định rằng đây là câu đối  mà một vị quan phủ ở Quảng Đông viết tặng Nguyễn Tư Giản khi cụ đi sứ sang Trung Quốc). Có thể nói đây là câu thơ cao trọng nhất, đẹp nhất để xưng tụng hoa mai: Mười năm chu du tìm gươm báu/Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai  (bản dịch từ chữ Hán).

Có lẽ câu thơ ấy hợp khí phách kẻ sĩ của Chu Thần. Nhưng cũng nên hiểu một nghĩa dịu dàng hơn: Câu thơ ấy thể hiện niềm say đắm hoa mai, bởi hoa là cốt cách của quân tử, của cái đẹp, cốt cách ngàn đời của Huế, của phương Nam nước Việt.

 


Theo Ngô Minh (CAND)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng