Nhịp điệu cuộc sống
Hoa kẽm hết thời, hoa giấy lên ngôi
09:22 | 25/01/2014

Nếu như những năm trước, người dân chuộng hoa nhựa, hoa kẽm thì năm nay hoa giấy Thanh Tiên (Phú Vang - TT Huế) lại được lòng khách hàng giúp cho những người dân ở làng hoa nơi đây kiếm tiền mùa tết. 

Làm ra là bán hết

Về làng nghề hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) những ngày này mới thấy người dân tất bật trong công việc.

Theo những hộ dân nơi đây công việc làm hoa giấy tết bắt đầu từ tháng 11 âm lịch và luôn có khách hàng đến đặt lấy liên tục.

Anh Nguyễn Thức, làm hoa giấy cúng kể: “Năm nay tui làm được 2500 cây đã bán hết rồi, có vị khách 1-2 ngày lại đến lấy 500-600 cây về bán, làm không kịp tay. Cách đây mấy ngày nhà để toàn hoa không có cả chỗ ngủ”.

Trao đổi với người dân làng Thanh Tiên, chúng tôi được biết cách đây 3 năm hoa kẽm ra đời khiến cho nghề làm hoa giấy ế ẩm, nhiều hộ gia đình bỏ nghề. Nhưng năm nay khách hàng lại quay lại hoa giấy vì theo tâm linh loại sản phẩm này có thể đốt cháy sau khi thờ cúng, còn hoa kẽm trước đó thì không thể. Mặc khác người dân vẫn muốn lưu giữ những giá trị tâm linh truyền thống mà ông bà xưa để lại như câu nói “xưa bày nay làm”.

Bên cạnh loại hoa giấy cúng, hoa sen giấy phục vụ tết cũng khá nhộn nhịp. Với mỗi mùa tết, trung bình có hộ làm hoa sen giấy bán được 3000–5000 cây hoa với giá 3 loại là 10.000 – 12.000 – 15.000 đồng/ cây, nhờ đó cũng thu về 20–25 triệu đồng mỗi mùa tết. “

Hoa sen giấy nhu cầu tết tăng gấp 3-4 lần ngày thường, được đóng đi rất nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn... Công việc bận rộn nên có khi chúng tôi phải thuê thêm nhân công và làm cả ngày lẫn đêm”, anh Nguyễn Hiếu, một người thợ làm hoa sen giấy chia sẻ.

Giữ được giá trị truyền thống

Nghề làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên đã xuất hiện cách đây 300 năm, đó là một sản phẩm phục vụ tín ngưỡng dân gian, dùng làm trang trí ở Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và Ông Táo. Mỗi năm người dân lại thay mới hoa cúng, nhờ đó tạo điều kiện cho hoa giấy phát triển.

Nhiều năm nay, trên thị trường ra đời nhiều loại sản phẩm hoa phục vụ việc thờ cúng, trang trí, chưng tết khiến cho sức mua hoa giấy giảm mạnh, người dân chuyển nghề đi làm công việc khác.


Theo ông trưởng thôn Nguyễn Hóa, mặc dù làng đã được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8/2013, nhưng đến mùa tết năm nay cũng chỉ còn khoảng 10 nhà lưu giữ nghề. Khó khăn nhất là tìm một đầu ra ổn định cho nghề vì loại sản phẩm này cũng bấp bênh và phụ thuộc vào thời tiết. Đồng thời sản phẩm hoa giấy cúng lại phải làm kì công, mỗi ngày chỉ làm khoảng hơn 10 cây trong khi giá lạ chỉ dao động từ 3.500 – 5.000 đồng/ cây khiến người dân chán nản. “Ngày xưa cách nhau vài chục mét lại có nhà làm hoa giấy, nhộn nhịp lắm. Đến mùa tết thì người dân vác từng bó đi bán rực rỡ cả làng, giờ thì chẳng mấy ai giữ nghề nữa”, anh Thức nhớ lại.

Cũng theo ông Hóa, Sở Công thương cũng đã chú trọng việc đào tạo nghề, đưa về hơn 15 em để nhờ các nghệ nhận ở làng đào tạo. Tuy nhiên theo ông muốn lưu giữ được nghề cần có sự hỗ trợ thiết thực của các cơ quan ban ngành như quảng bá, mở rộng thị trường chứ không phải chỉ là những lời động viên.

 

Nguồn Tamnhin.net

 

Các bài mới
Các bài đã đăng