Nhịp điệu cuộc sống
Làng nghề đón xuân
10:05 | 27/01/2014

Thừa Thiên Huế là cái nôi của hàng trăm làng nghề và nghề truyền thống. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đến nay nhiều nghề, làng nghề đang dần mai một và biến mất. Trước thực trạng đó, tỉnh TT Huế đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhằm khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống và các sản phẩm xuất khẩu. Sau khi triển khai hỗ trợ từ các nguồn vốn khuyến công, vốn từ các chương trình đề án 50 và 51 của UBND tỉnh, nhiều làng nghề, nghề truyền thống đang dần khôi phục và phát triển theo hướng bền vững. 

Làng nghề đón xuân

Những ngày cận tết Giáp Ngọ, về làng nghề mây tre đan Bao La xã Quảng Phú huyện Quảng Điền lại nhộn nhịp, đông vui khi có rất nhiều các nghệ nhân và những phụ nữ nhàn rỗi thực hiện các công đoạn hoàn thành các sản phẩm làng nghề của mình để cung ứng cho các đối tác xuất khẩu trong năm mới 2014. Đây là một tín hiệu rất vui cho làng nghề này khi mùa xuân về. Hầu hết các sản phẩm mỹ nghệ từ tre, một nguyên liệu khá dồi dào của địa phương rất được khách hàng ưa chuộng. Nhiều sản phẩm được các đơn vị đặt hàng để làm đẹp trong dịp tết đến xuân về. Do nhu cầu của khách hàng, nên các nghệ nhân của làng nghề này luôn phải cải tiến, thay đổi mẫu mã cho đẹp và bắt mắt, Mỗi năm HTX Bao La thực hiện thiết kế mới khoảng 5 đến 6 mẫu, nâng tổng số mẫu của HTX lên con số 400 mẫu từ sau khi đi vào hoạt động đến nay. Năm 2013, doanh thu của HTX đạt trên 1,5 tỷ đồng và phấn đấu vào năm 2014 đạt con số 1,8 tỷ đồng. Một con số doanh thu khá khả quan mà trước đây những người tham gia hoạt động trong làng nghề ít nghĩ tới.

Để có được những thành quả đó, trong những năm gần đây, các làng nghề mây tre đan Bao La và Thủy Lập được các nguồn vốn hỗ trợ thông qua HTX cũng đã tập trung vào cải tiến mẫu mã sản phẩm. Các HTX này đã phát triển thêm nhiều mẫu mới, như HTX Bao La từ 40 mẫu ban đầu, sau 5 năm phát triển đến nay HTX có trên 400 mẫu hàng khác nhau. Đầu ra chính cho các sản phẩm làng nghề Bao La chủ yếu là các khách hàng tại hội chợ trong và ngoài nước, các nhà hàng khách sạn, quán cà phê trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh bạn…Còn HTX Thủy Lập cũng đã đang dạng hóa sản phẩm với hàng chục mẫu mới. Do đó, hiện nay, các đơn đặt hàng từ các công ty, chủ cơ sở ngày một nhiều hơn, tăng thêm thu nhập cho hội viên và người lao động.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có tất cả 95 làng nghề, trong đó có 69 làng nghề truyền thống, 08 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 18 làng nghề mới du nhập, trong đó số làng nghề vẫn duy trì hoạt động sản xuất còn khoảng trên 30 làng với hơn 24 nghề. Các sản phẩm chủ yếu của các làng nghề là: đúc đồng, nón lá, tranh thêu, thêu cờ trướng liễn, đan lát, điêu khắc mộc mỹ nghệ, chạm khảm, mũ vải, sản xuất nước mắm, sản xuất bún, bánh tráng, gạch xây dựng, đá chẻ, dệt Zèng,…Trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn của trung ương và địa phương, vốn từ các chương trình, trong đó có nguồn vốn khuyến công đã tạo một cú hích mới cho các làng nghề trên địa bàn có những khởi sắc mới. Chỉ tính trong năm 2013 hàng ngàn  hộ dân ở các làng nghề và một số cơ sở, HTX đã được đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến vào sản xuất đã làm cho các làng nghề ngày càng có nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường

Những làng nghề như gốm Phước Tích, nón lá Mỹ Lam, dệt Zèng A Lưới hay đan lát Bao La… như được tiếp thêm sức mạnh thông qua những khóa tập huấn nâng cao năng lực quản lý sản xuất kinh doanh, cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề lao động. Còn các cơ sở sản xuất và chế biến thủy hải sản ở xã Phú Hải, Phú Thuận, Quảng Công, Vinh Hiền; nón lá Thủy Thanh và dầu tràm Lộc Thủy…được các nguồn vốn từ các chương trình trong đó có vốn khuyến công từ trung ương và địa phương đã thực hiện  cải tiến mẫu mã sản phẩm, tạo ra các mẫu mã mới phù hợp với nhu cầu thị trường và đảm bảo tính nghệ thuật truyền thống. Các địa phương có các làng nghề cũng đã vận động người dân, các cơ sở làng nghề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa để sản phẩm ngày càng vươn xa thị trường.

Từ những kết quả đạt được, tỉnh TT Huế cũng đang nổ lực tranh thủ các nguồn vốn tiếp thêm sinh khí cho các làng nghề, cơ sở sản xuất thêm nguồn vốn tiếp tục triển khai các giải đoạn kế tiếp để hoàn thiện và tăng hiệu quả cho sự đầu tự trong năm mới 2014.

Không dừng lại ở việc hỗ trợ từ các chương trình mà trong năm mới 2014, tỉnh TT Huế cũng sẽ thông qua quy hoạch phát triển làng nghề năm 2015 đến năm 2020. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng, việc khôi phục và  phát triển làng nghề phải dựa trên nguyên tắc bảo tồn các giá trị truyền thống nhưng phải có hiệu quả thiết thực trong thực tiễn cuộc sống. Có như thế làng nghề mới tồn tại và phát triển bền vững theo thời gian. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề phải đi theo hướng phù hợp với thực tiễn hiện tại, nhu cầu của thị trường.

Mùa xuân về, cây cối đâm chồi, hoa nẩy lộc. Trong không khí ấm áp của mùa xuân, những làng nghề TT Huế trong hương xuân, sắc xuân cũng đã mang đến cho thị trường tết những sản phẩm tươi mới hơn, những mẫu mã kiểu dáng đẹp hơn. Mỗi một năm mới đến, từ sự hỗ trợ từ  các chương trình, đề án trong việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cho các DN, cơ sở cũng như tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, tạo động lực để thúc đẩy các làng nghề và cơ sở sản xuất ngày càng phát triển và mở rộng quy mô, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.


Nguồn TRT

Các bài mới
Các bài đã đăng