Thời Nguyễn, xe có bốn ngựa kéo (tứ mã) thường chỉ được dành riêng cho nhà vua, hoàng hậu, hoàng gia hoặc quan nhất phẩm, nhị phẩm được ủy thác mệnh vua; loại xe thượng hạng có ngựa kéo này được chế tạo vào cuối triều vua Gia Long (1802-1820), đầu triều vua Minh Mạng (1820-1841). Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, tiếng lóc cóc của vó ngựa một thời trong hoàng thành Huế đã đi vào quên lãng. Có lẽ vậy, nên khi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đố Huế (TTBTDTCĐ Huế) đầu tư, tái hiện lại hình ảnh xe ngựa nhân dịp Festival Huế 2010 để phục vụ khách du lịch, thì tất cả hình ảnh xưa như chợt tràn về dưới từng cung điện, góc thành rêu phong của cố đô Huế.
Sách xem về tướng ngựa nói rằng, xa giá của thiên tử đi ra, tháng mạnh xuân (tháng Giêng) thắng ngựa thương long (ngựa sắc xanh), tháng mạnh hạ (tháng Tư) thắng ngựa xích lưu (ngựa sắc đỏ), tháng mạnh thu (tháng Bảy) thắng ngựa bạch lạc (ngựa sắc trắng), tháng mạnh đông (tháng Mười) thắng ngựa thiết ly (ngựa sắc đen). Và những người nuôi ngựa, thuần phục ngựa cho rằng, ngựa có nhiều chủng loại, nhưng dù là chủng loại gì thì ngựa vẫn được xem là con vật thông minh và trung thành với chủ.
Dưới triều vua Minh Mạng (1820 – 1841), việc diễn tập cho ngựa làm quen với môi trường chiến đấu, trang sức cho ngựa, vật liệu nuôi ngựa rất được coi trọng. Đối với việc diễn tập cho ngựa được miêu tả: cứ 3 ngày một lần diễn tập cưỡi ngựa, theo cách chạy nước tiểu, nước trung, nước đại; 10 ngày một lần diễn tập chạy ngựa, múa gươm và ném mũi dao, mũi giáo; một tháng một lần tập bắn súng ngắn và các trận pháp… Đối với trang sức cho ngựa: Yên ngựa đều bao bọc và trang sức bằng vàng, khắc rồng mây và ngọn lửa bốc cháy; chỗ vành cổ yên và chân yên đều trang sức bằng vàng bạc và nạm hột pha lê. Dây đằng trước bọc tơ lông màu vàng, trong ruột bằng vải vàng; roi ngựa nạm vàng… Đối với vật liệu dùng để nuôi ngựa, năm Minh Mạng thứ 2 (1821) được chuẩn: xe vua đi tuần Bắc thì ngựa công đi theo có 70 con, trong đó có 2 con ngự mã (ngựa dành cho vua), mỗi con đóng ban ngày là một khiêng cỏ, đóng ban đêm một khiêng rưỡi cỏ, đều tính kỳ mà chuẩn bị cho đúng số…
Anh Lê Đắc Quảng – người đánh xe ngựa chở khách du lịch trong hoàng thành Huế cho biết, anh đã có nhiều năm đánh xe ngựa chở khách du lịch ở thành phố Đắk Lắk, sau này do hoàn cảnh gia đình nên anh về đầu quân cho khách sạn Hương Giang – Huế. Năm 2010, khi TTBTDTCĐ Huế muốn tái hiện hình ảnh xe ngựa để phục vụ khách tham quan du lịch, anh đã ký hợp đồng và trở thành người đánh xe ngựa cho đến nay.
Theo chân người đánh xe ngựa, tôi mua vé cho một vòng tham quan. Ngồi trên xe ngựa quan sát hai bên đường, cảm giác được đung đưa theo tiếng vó ngựa lóc cóc lúc nhanh, lúc chậm gõ đều trên nền gạch bát tràng làm cho ta như mơ thấy hình bóng của tiền nhân – xe ngựa, người đánh xe, những bức tường rêu phong cũ kỹ với thời gian như tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của kinh thành Huế.
Đang mơ màng với “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, bỗng người đánh xe ngựa hỏi: Không biết ngày xưa nhà vua có phép tắc nuôi ngựa không nhỉ? Nhân đang cầm lật cuốn “Khâm định đại nam hội điển sự lệ”, tôi đọc luôn Minh Mạng năm thứ 15 (1834), ban sắc cho bộ tư đi các địa phương, phàm có ngựa bị chết, chuẩn bị mỗi năm chia làm hai kỳ, lấy tháng 2, tháng 8 làm hạn, mỗi kỳ đem hết số ngựa bị chết tâu lên nhà vua; về chương trình nuôi ngựa nếu ngựa bị gầy yếu, ốm đau mà chết, do nuôi nấng không đúng phép mới đến nỗi thế, thì người chăn nuôi chiếu lệ ngựa bị chết một con, phạt 60 trượng và theo giá bắt bồi thường. Riêng việc nuôi ngựa ở viện Thượng tứ năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) ghi rõ, thống kê trong một năm, trong đội có ngựa chết một con thì người chăn ngựa bị phạt 50 roi; đội trưởng bị giáng một bậc và bị phạt 40 roi;… Nghe xong những điều tôi vừa đọc, người đánh xe trầm ngâm, giọng đứt quãng theo nhịp điệu của vó ngựa lóc cóc, anh nói: Tôi nghe kể ở nước Tàu thời Tam quốc (ba nước Ngô, Thục, Ngụy đầu thế kỷ thứ III sau Tây lịch - NV), có con ngựa xích thố nổi tiếng, vốn là của Lã Bố, ngày phi ngàn dặm, sau bị Tào Tháo thu được. Tào Tháo bấy giờ làm Thừa tướng nhà Hậu Hán nhưng nắm hết quyền binh, rất quý con ngựa này, muốn tìm cách mua chuộc nhân tài về đầu quân, đã đem nó tặng cho Quan Vũ, là nhị đệ của Lưu Huyền Đức. Bậc trượng phu như Quan Vũ (Quan Vân Trường) vì ngựa quý mà “chịu nhận quà”, nhưng không chịu theo Tào Tháo. Sau Quan Vũ dùng nó phò hai chị dâu về với Lưu Huyền Đức, rồi lại dùng nó xông pha trận mạc đánh Đông dẹp Bắc, cũng lại vì nó mà ông đã tha chết cho Tào Tháo khiến cho nhà Thục mấy năm sau suy rồi bị xóa sổ. Sau ngày Quan Vũ mất, con ngựa ấy cũng được thờ cùng với ông trong các ngôi đền. Anh kết thúc câu chuyện với cái nhìn xa xăm về phía điện Thái Hoà, nơi thiết triều ngày xưa của các vị vua triều Nguyễn. Phải chăng anh đang mơ về một con ngựa xích thố khoẻ mạnh để phục vụ khách du lịch, và anh cũng sợ bị đánh đòn như những người lính chăn ngựa thuở xưa.
Trong hành trình khám phá Hoàng thành Huế, anh Nguyễn Tuấn – một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh tâm sự, tôi đã đến Huế nhiều lần, nhưng hôm nay được rong ruổi cùng tiếng vó ngựa để ngắm đền đài, cung điện quả thật rất thú vị. Có lẽ nét cổ kính trầm mặc, mang dáng dấp ưu tư của Huế khiến tôi ít nhiều cảm nhận được hình bóng xưa cũng như cuộc sống của các bậc tiền nhân.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế cho biết, việc đưa xe ngựa vào trong các hoạt động du lịch được người dân xứ Huế ủng hộ, vì nó đã góp phần đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đây là một hoạt động mang tính quảng bá, giới thiệu để du khách hiểu hơn những giá trị di sản mà Huế đang nắm giữ.
Theo Trọng Bình (BVPL)