Nhịp điệu cuộc sống
Mái ấm thấm đượm nghĩa tình biên cương
08:31 | 10/02/2014

Tỉnh Thừa Thiên -Huế có cả hai tuyến biên giới: một tuyến trên bộ giáp Lào và một tuyến biển. Đời sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, nhà cửa tạm bợ, dột nát. Để giúp đồng bào an cư, lạc nghiệp, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp các ban, ngành và phát động chiến sĩ đóng góp sức người, sức của để xây dựng hàng trăm mái ấm cho bà con.

Mái ấm thấm đượm nghĩa tình biên cương
Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế giúp đồng bào vùng cao A Lưới dựng nhà mới

"Vui sao nước mắt lại trào!"

Gia đình bà Phạm Thị Duyên, ở thôn Hà Ốc, xã Vinh An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) có ba người con khuyết tật, mất khả năng lao động, cho nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế cùng các tổ chức, nhà hảo tâm xây tặng gia đình bà căn nhà cấp bốn rộng hơn 50 m 2 với kinh phí hơn 80 triệu đồng. Bà Duyên bộc bạch: "Trước đây, nhà tranh rách nát, che nắng bằng những tấm ni-lông cũ, mưa xuống, trong nhà chẳng khác gì ngoài sân. Nhờ Bộ đội Biên phòng và các ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ mà gia đình tôi có được căn nhà kiên cố. Đồn Biên phòng Vinh Xuân còn tặng ti-vi, quạt máy, chăn màn,... và hỗ trợ gạo hằng tháng cho gia đình".

Cùng chung niềm vui đón Tết đầu tiên trong ngôi nhà mới còn có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi A Lưới. 20 căn nhà mới từ chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn", tổng trị giá 900 triệu đồng, được Báo Sài Gòn Giải Phóng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế và Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức khánh thành và bàn giao tặng đồng bào. Họ là những gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh, cựu Thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, hy sinh tại Trường Sơn trong những năm chống Mỹ, cứu nước và đồng bào các dân tộc sinh sống trên đại ngàn Trường Sơn hiện gặp khó khăn.

Đã nhiều lần đến với vùng đất xa xôi nơi biên giới Việt - Lào, chứng kiến bao khó khăn của đồng bào, nhưng mọi người trong đoàn vẫn rất cảm động khi nghe ông Nguyễn Văn Bor (SN 1951), ở thôn A Đông, xã Hồng Thái (A Lưới), bày tỏ: "Hơn 20 năm nay, gia đình tôi sống trong căn nhà dột nát, tạm bợ rộng chưa đầy 20 m 2 . Mỗi lần nhìn con thơ nằm rạp góc nhà, dựa gốc cây học bài, phận làm cha, tôi chỉ biết nai lưng ra làm với hy vọng có tiền chữa bệnh cho vợ và nuôi con lớn khôn. Nhận được 45 triệu đồng tiền hỗ trợ, cộng với số tiền tích góp của gia đình, tiền hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương, gia đình tôi đã làm được nhà mới ba gian, rộng 60 m 2 đón năm mới".

Những căn nhà lợp lá xiêu vẹo, dột nát được thay thế bằng 20 căn nhà kiên cố, ấm cúng. Ấn tượng nhất là dưới các mái nhà mới ở đây, cờ Tổ quốc bay phấp phới. Trong những nhà mới, nơi trang trọng nhất được bà con đặt bàn thờ Bác Hồ. Gia đình ông Hồ Viên Mừng, ở thôn Kaleng, xã Nhâm (A Lưới) là một trong 20 hộ nghèo được đón Tết với niềm vui trọn vẹn, ấm cúng nhất từ trước tới nay. Ông Mừng nói: "Phải nuôi vợ đau ốm triền miên cùng đàn con ăn học cho nên gia đình cứ thiếu trước, hụt sau.

Căn nhà nhỏ đã quá mục nát vì không có tiền để sửa chữa nên lạnh cóng vào mùa đông, khô nóng vào mùa nắng... Cảm ơn Đảng, Nhà nước và các chú Bộ đội Biên phòng nhiều lắm!".

Khám bệnh cho đồng bào nghèo tại Trạm Quân dân y xã Nhâm (A Lưới).

Thắm đượm nghĩa tình quân - dân

Từ năm 2009 đến nay, chương trình xây dựng "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo" đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp bà con nghèo xây dựng được 155 nhà "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo" với tổng giá trị hơn bảy tỷ đồng và ba công trình dân sinh trị giá hơn một tỷ đồng.

Đại tá Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: "Tuy tên gọi, cách làm từng giai đoạn có khác nhau như nhà "Đại đoàn kết", "Mái ấm biên cương" hay "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", "Công trình dân sinh phục vụ đồng bào"... nhưng phong trào đều nhất quán một chủ trương xã hội hóa sự ủng hộ tinh thần lẫn vật chất. Bộ đội Biên phòng tỉnh phát động mỗi cán bộ ủng hộ một ngày lương, mỗi chiến sĩ 10 nghìn đồng; hỗ trợ các gia đình hơn 2.000 ngày công để san lấp mặt bằng, đổ nền, giúp đồng bào xóa nhà ở tạm, có nơi ở ổn định. Các ngôi nhà được xây dựng kiên cố, có công trình vệ sinh tự hoại, trung bình mỗi nhà trị giá hơn 50 triệu đồng.

Không chỉ làm nhà cho đồng bào nghèo, Trạm xá Quân dân y xã Nhâm (A Lưới), do Hội Golf TP Hồ Chí Minh tài trợ một tỷ đồng có tổng diện tích 560 m 2 , trong đó diện tích xây dựng 163 m 2 với các hạng mục: phòng khám, phòng họp giao ban, ba phòng bệnh và các hạng mục phụ trợ khác phục vụ việc khám, chữa bệnh cho bà con địa phương cùng hàng nghìn đồng bào các xã lân cận như Hồng Bắc, Hồng Thượng, Hồng Thái của huyện A Lưới và người dân cụm bản I Reo, nước bạn Lào. Trung úy Lê Tuấn Linh, y sĩ đồn Biên phòng xã Nhâm cho biết: "Từ khi Ban tổ chức chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh tiến hành khảo sát, chọn địa điểm xây dựng Trạm xá Quân dân y, anh em cán bộ, chiến sĩ trong đồn cũng như bà con quanh đây đếm từng ngày. Và từ ngày hoàn thành, hàng trăm đồng bào không còn phải đi hơn chục cây số như trước nữa, chỉ cần đến trạm xá gần nhà là được Bộ đội Biên phòng chăm sóc sức khỏe chu đáo. Trạm xá đã hiện thực ước mơ cho đồng bào".

Đại tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế cho biết, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã trích các nguồn quỹ và góp công sức cùng các địa phương, thôn, bản xây dựng phòng học, đóng bàn ghế, mua sách vở cho học sinh nghèo và vận động các cháu đến trường; giúp đỡ hàng nghìn ngày công xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, cứu trợ lương thực, thực phẩm, áo quần khi đồng bào bị thiên tai, bão, lũ và khi giáp hạt.

Đặc biệt, Tết Nguyên đán vừa qua, hàng trăm gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên hai tuyến biên giới được đón Tết trong những căn nhà khang trang do Bộ đội Biên phòng xây tặng từ các nguồn kinh phí vận động được. Đó là những mái ấm thắm đượm nghĩa tình quân - dân khu vực biên giới, giúp các gia đình nghèo được an cư, góp phần giữ vững an ninh chủ quyền nơi biên giới.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiền, công tác vận động phối hợp xây dựng "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo" của Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế là một việc làm có ý nghĩa chính trị to lớn. Phong trào đã tạo được sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng chung trách nhiệm giúp đồng bào trên hai tuyến biên phòng có cuộc sống tốt hơn. Từ chủ trương này, tình quân -dân vùng biên giới ngày càng thắt chặt, củng cố niềm tin sâu sắc của đồng bào các dân tộc vào Đảng và Nhà nước, cùng đồng lòng, đồng sức giúp đỡ Bộ đội Biên phòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Theo NDO

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng