Nhịp điệu cuộc sống
Bánh Khoái xứ Huế
14:27 | 10/02/2014

Ngay từ cái cách ngồi co ro bên một quán cóc, giữa cái rét của xứ Huế và nhìn những đĩa bánh khoái vàng ươm nóng hổi đã thấy “nôn nao” vì thèm. 

Bánh Khoái xứ Huế

Bánh khoái dễ khiến người chưa quen nhầm thành bánh xèo vì có nhiều nét tương đồng. Tuy vậy, bánh khoái nhỏ, dày và ăn giòn hơn bánh xèo. Để làm nên sự khác biệt này là do khâu pha bột với một công thức “độc quyền”, độ lửa khi chiên bánh và pha nước chấm của mỗi quán.

Người xứ Huế vốn nức tiếng cả nước về sự tỉ mỉ và cầu kỳ trong ăn uống. Phải nhìn cách người thợ chiên bánh, canh lửa, đổ bột vào chảo đều tay, trở bánh và canh thời gian cho bánh vừa chín giòn thì mới thật nể phục cái tâm của họ đặt vào món ăn.

Đầu tiên là khâu chọn bột rất kỹ càng. Đó là loại bột gạo ngon, được xay kỹ cho thật mịn, sau đó hòa với nước sao cho hỗn hợp không quá đặc để bánh được ngon. Sau đó, người nấu bỏ chút muối ăn, đập vài quả trứng gà để khi chiên bánh lên màu đẹp mắt, dậy mùi và giá trị dinh dưỡng cao hơn.

Nhân bánh khoái cũng khá giống bánh xèo, gồm thịt, tôm đã luộc bỏ vỏ, ít xá xíu…tùy mỗi quán và không thể thiếu vài cọng giá múp míp.

Khuôn đúc bánh khoái nhỏ xinh, làm bằng chất liệu gang nên vị bánh chiên lên rất đặc trưng. Đường kính khuôn bánh khoảng 15 cm nên bánh khoái ra lò cũng nhỏ xinh bằng một nửa bánh xèo ta thường thấy.

Khi khách gọi món là lúc người nấu chế biến tại chỗ nóng hổi. Chảo bánh đã nóng, cho dầu ăn đảo đều, nhanh tay múc một muỗng bột đổ vào khuôn. Tiếng xèo xèo vang lên cùng mùi thơm lừng thật khó cưỡng lại. Sau đó tiếp tục cho phần nhân vào đợi bánh chín, trở bánh rồi cho ra đĩa là có thể thưởng thức ngay.

Nếu bánh xèo có thể chấm với mắm ớt cay hoặc mắm nêm thì bánh khoái lại thêm phần “quyến rũ” bởi chấm với nước lèo, thực sự thơm ngon tuyệt cú mèo. Để có nước chấm ngon cần sự chuẩn bị kỹ càng và công thức bí truyền của từng gia đình, điều quyết định tên tuổi của quán ăn.

Nước lèo bánh khoái công phu với nhiều nguyên liệu như gan heo, thịt nạc băm nhuyễn kết hợp với mè rang, đậu phộng giã nhuyễn cùng nước tương đậu nành Huế chính gốc được chưng cất kỳ công.

Ai đã một lần ăn chiếc bánh khoái giòn tang, thơm lừng được chấm với nước lèo sẽ không quên được vị bùi bùi của đậu phộng, chất thịt thơm tự nhiên… Tất cả cùng làm nên hương vị loại bánh “đắm say lòng người”, nhất là trong cái lạnh và mưa phùn những tháng đầu xuân xứ Huế, nên bánh khoái càng trở nên “khoái khẩu”.

Cũng như bánh xèo, bánh khoái ăn kèm với đĩa rau sống tươi, ngon nhất là đĩa rau cải con, rau thơm, hành ngò đi kèm vài lát chuối chát, khế chua thái mỏng..

Về cái tên bánh khoái, chuyện kể ngày xưa để có những chiếc bánh thơm ngon, người đổ bánh trên bếp củi mà trời mưa quanh năm nên củi ướt, khói mù mịt cả gian bếp làm cay xè mắt. Vì thế bánh này vốn có tên là bánh khói, nhưng chệch đi thành "khoái" theo cách phát âm của người Huế.

 

Theo Khánh Ly (dulichhue.com)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng