Nhịp điệu cuộc sống
Người tật nguyền chữa bệnh cho người điên
07:53 | 11/02/2014

Hàng chục năm qua, lương y tật nguyền Hoàng Ngọc Ninh, 65 tuổi, quê ở phường Hương Văn, Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế đã cứu giúp không biết bao nhiêu người bị điên sớm hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, cảm mến trước tài năng và tấm lòng nghĩa hiệp của ông, từ một bệnh nhân bà đã lấy ông làm chồng và giờ họ đã có 5 người con.

Lương y đi xe ba bánh chữa bệnh điên

Có được tiếng tăm lừng lẫy như ngày hôm nay, ít ai biết rằng, cuộc đời của lương y Hoàng Ngọc Ninh cũng đã trải qua những ngày hết sức cay đắng, nghiệt ngã của số phận.

Lúc 6 tuổi, cậu bé Hoàng Ngọc Ninh bị bệnh đậu mùa, sau đó đôi chân cậu bị bại liệt hoàn toàn. "Không đầu hàng với số phận cùng với suy nghĩ thân đã bại, nhưng đừng để danh liệt, vì thế tôi đã học và học rất giỏi, học hết bậc trung học cơ sơ, thì tôi theo cha hành nghề cứu người”, ông Ninh kể lại câu chuyện đời mình.

Theo lời lương y Ninh, ông là đời thứ 4 kế thừa nghề thuốc gia truyền của tổ tiên để lại. Thuốc của nhà ông có thể chữa được rất nhiều bệnh, nhưng trong đó căn bệnh điên. "Bệnh này, mỗi người có một phương pháp chữa trị khác nhau, nhưng tôi lại chữa theo phương thức gia truyền kết hợp thuốc Bắc, thuốc Nam. Bên cạnh đó, tôi còn dùng tâm lý trị liệu tức là mình ngồi nói chuyện với bệnh nhân là có thể giảm từ 30-40% bệnh tật."

Bật mí về kinh nghiệm khống chế tâm lí bệnh nhân, ông Ninh dẫn chứng: “Với một chảo dầu đậu phụ, tôi sẽ lấy môi múc dầu ngậm vào miệng. Sau đó mồi lửa và phun thẳng vào người bệnh nhân. Nhiều người bảo rằng hành động này mê tín nhưng hoàn toàn không phải. Việc phun lửa nhằm thu hút sự chú ý đồng thời khiến bệnh nhân sợ hãi nhất thời và ngoan ngoãn nghe lời thầy thuốc”.

Với phương thức chữa bệnh điên gia truyền này, vừa không tốn kém bao nhiêu lại có kết quả ngoài mong đợi. Tuy nhiên, có những bệnh nhân khi đã rơi vào giai đoạn quá nặng, thì tôi phải kết hợp Đông y và Tây y (về tây y là cho người nhà đến khám các cơ sở y khoa, tùy giai đoạn mà cho đi bác sỹ chuyên khoa), sau đó cho bệnh nhân thuốc mát gan, an thần. Trong quá trình điều trị phải châm cứu, bấm huyệt nữa… tùy theo đó, phân loại để chữa trị.

Lấy chồng để trả ơn

Dù hành nghề tung hoành khắp các chốn, nhưng câu chuyện tình yêu đầy cảm động của ông Ninh khiến người khác đầy cảm phục. Trong một lần đi chữa bệnh điên cho một bệnh nhân ở làng Quê Chữ (phường Hương Chưa, Thị xã Hương Trà), lương y Ninh lại có duyên chữa bệnh cho một người con gái vào độ xuân thì - người mà sau này đã hạ sinh cho ông 5 người con. Đó là bà Huỳnh Thị Phức bị bệnh thiên đầu thống (hay còn gọi là đau đầu đông).

Trước khi tìm đến ông Ninh chữa bệnh, gia đình bà Phức đã đưa bà đi chữa trị khắp nơi, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Nhưng hơn một năm sau khi gặp được ông Ninh với lòng nhiệt huyết, tận tình kết hợp với nhiều phương pháp chữa trị, bệnh tình của bà Phức đã thuyên giảm. Niềm hạnh phúc vô bờ bến không gì tả được, bà biết ơn, cảm phục và trái tim đã rung động trước vị thầy thuốc tật nguyền.

Những bệnh nhân điên ở thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc mong muốn được lương y chữa bệnh.

Ngồi bên chồng, bà Huỳnh Thị Phức (64 tuổi), vợ lương y Ninh cũng không giấu được xúc động: "Cách đây hơn 30 năm, tôi không còn nhớ rõ ngày nào nữa, tôi mắc chứng đầu đông, lên cơn đau đầu dữ dội, mất ngủ kéo dài, tôi đã đi khắp nơi để điều trị nhưng bệnh tình không giảm, cũng rất may tôi có duyên gặp được anh Ninh (lương y Ninh – PV). Anh hàng ngày lên chữa trị cho tôi, từ một bệnh nhân, tôi dần quen biết anh, gặp anh thường xuyên hơn rồi mến anh từ lúc nào không hay không biết. Từ đó, tôi thường xuyên, quan tâm để ý đến anh nhiều hơn."

Bệnh viện “ông Ninh”

Hành nghề y học cổ truyền trước giải phóng, nhưng mãi sau năm 1975, ông Ninh mới chính thức chữa trị cho bệnh nhân tại nhà. Người dân làng này gọi ngôi nhà của ông Ninh là một “bệnh viện” thu nhỏ. Ngôi nhà ông lúc đó, bệnh nhân ngày càng nhiều với đủ thành phần trong xã hội.

Có những bệnh nhân hoàn cảnh nghèo khó, ông đã chữa trị miễn phí. Sau khi chữa lành cho bệnh, ông còn dạy cho bệnh nhân cách bốc thuốc, chữa trị bệnh gia truyền.

Như bệnh nhân tâm thần Phạm Văn Phượng, nay đã 50 tuổi, ở thôn Cổ Lão, xã Hương Toàn (Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế), vào năm 1980, Phượng lên cơn đau dữ dội, gia đình rất nghèo khổ, mỗi lần lên cơn điên là đập phá, cởi trần cởi truồng, chạy nhảy khắp nơi. Nhưng sau mấy tháng chạy chữa theo thuốc của ông Ninh, Phượng đã khỏi hẳn. Sau đó, Phượng ở lại nhà ông Ninh học nghề được 10 - 12 năm, thì cưới vợ rồi vào Nam sinh sống. Giờ Phượng đã mở tiệm thuốc đông y rất lớn ở miền Nam.

Cũng có những bệnh nhân đã để lại dấu ấn mà trong suốt cuộc đời hành nghề cứu người, có lẽ ông không bao giờ quên. Đó là bệnh nhân Nguyễn Thị Tuyết, bị mẹ chồng ngược đãi và lên cơn điên không nói được. Gia đình chị Tuyết bất lực hoàn toàn. Nhưng, chỉ mất có 2 tháng là lương y Ninh đã chữa trị khỏi bệnh cho Tuyết và bây giờ cuộc sống của chị rất hạnh phúc.

Giờ đây, khi tuổi đời đã bên kia sườn dốc, ông vẫn đau đáu niềm đam mê yêu nghề, thương người!


Nguồn PetroTimes
 

Các bài mới
Các bài đã đăng