Nhịp điệu cuộc sống
Độc đáo lễ hội cầu ngư lớn nhất đất Cố đô
08:13 | 12/02/2014

Được xem là lễ hội cầu ngư lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế, sáng ngày 11/2 (12 tháng Giêng), lễ hội Cầu Ngư làng Thai Dương, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang chính thức được diễn ra trước đình làng Thai Dương, hàng vạn người dân và du khách tấp nập về tham dự.

 

Độc đáo lễ hội cầu ngư lớn nhất đất Cố đô

Lễ hội cộng đồng

Chương trình của lễ hội cầu ngư năm nay diễn ra trong 2 ngày 11 và 12 tháng Giêng Âm lịch. Theo đó, từ chiều ngày 11 tháng Giêng đã bắt đầu lễ cúng tế và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như múa lân, biểu diễn ca Huế. Rạng sáng ngày 12 tháng Giêng (0 giờ 30), tổ chức lễ Cầu an. Tất cả các chủ thuyền mặc áo dài đen, quần trắng, đầu chít khăn đỏ chỉnh tề lần lượt vào làm lễ. Trước lúc vào lễ chánh tế, các bô lão trong làng thắp hương cầu khấn đất trời phù hộ cho con em làng chài sức khỏe, ra khơi gặp sóng yên, bể lặng...

Đặc biệt lễ cầu ngư không chỉ là cầu ở đình làng mà hầu như các nhà trong làng đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng để cầu mưu thuận gió hòa, một năm bình an, tôm cá đầy ghe, mùa màng tươi tốt, mua may bán đắt. Trên mỗi tàu, thuyền tại lễ hội đều chăng đèn kết hoa.

Đến sáng sớm nay (12 tháng Giêng), lễ chánh tế bắt đầu vào lúc 4 giờ. Một bài văn tế dâng lên các vị thần linh và tiền bối của làng, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đánh bắt được mùa, dân làng no ấm, mọi người hạnh phúc.

Sau phần nghi lễ cầu ngư, phần hội là phần được đông đảo người dân chờ đón với nhiều màn biểu diễn diễn tái hiện sinh hoạt văn hóa của ngư dân vùng biển, diễn tả những cảnh hoạt động nghề biển trên cạn, dưới nước, cùng hội đua trải trên phá Tam Giang.

Ông Tôn Thất Ninh, Trưởng ban điều hành làng Thai Dương cho biết, Thai Dương là một làng cổ, được hình thành vào khoảng thế kỷ XIV, từ đó đến nay, theo tục lệ cổ truyền của làng đã có từ hàng trăm năm, cứ 3 năm một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, gọi là “Tam niên đáo lệ”, con dân của làng lại tổ chức Lễ hội truyền thống cầu ngư để cho cầu cho dân bình an, cầu cho biển rộng, sóng yên để ngư dân đi biển đánh bắt được nhiều, đạt kết quả tốt, dân ấm no hạnh.

Theo ông Phạm Văn Yến, thành viên Ban điều hành làng Thai Dương, cứ hễ vào năm có lễ hội Cầu Ngư, con dân của làng từ khắp mọi nơi trong và ngoài nước đều hướng về tiên tổ, người có ít đóng góp ít, người có nhiều đóng góp nhiều để tổ chức lễ hội. Trong dịp lễ hội năm nay, con cháu trong làng đã đóng góp gần 2 tỷ đồng, trong đó trùng tu đình làng 1,6 tỷ đồng, tổ chức lễ hội cầu ngư là 300 triệu đồng. Nhiều con cháu của ông Yến từ nước ngoài và làm ăn xa cũng chọn dịp Tết năm nay về quê ăn Tết để cùng với dân làng cầu ngư, cầu cho 1 năm mới yên bình, ăn nên làm ra.

Trong dòng người chen chúc tại lễ hội, bà Đỗ Thị Hường, ở California (Hoa Kỳ) cho biết, là con dân của làng xa quê, bà thường chọn những năm có lễ cầu ngư là về quê ăn Tết và cầu an. Dù xa quê đã mấy chục năm nhưng lễ hội cầu ngư luôn tồn tại trong tâm trí, đây là nét văn hóa đáng tự hào mà hiếm nơi có được, tôi mong quê hương mình ngày càng phát triển giàu đẹp, mong tất cả những người xa quê hãy hướng về xây dựng quê hương và về với lễ hội cầu ngư của làng mình.

Có từ hàng trăm năm trước, lễ hội cầu ngư làng Thái Dương được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là lễ hội cầu ngư quy mô, độc đáo, hấp dẫn nhất và cộng đồng nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cho vụ cá bội thu

Ngay sau phần lễ tế ở đình làng và hoạt cảnh nghề biển, là lễ xuất quân đánh bắt vụ Nam của lực lượng tàu thuyền đánh bắt trên biển của thị trấn Thuận An.

Ông Nguyễn Đặng Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An nhấn mạnh, kinh tế biển chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Những năm qua, xác định phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ để khai thác nguồn lợi thủy hải sản phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thị trấn Thuận An đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, vận động ngư dân đóng mới, cải tạo nâng công suất tàu thuyền vươn khơi. Hiện toàn thị trấn có 376 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, trong đó có 40 tàu có công suất từ 90 CV đến 400 CV và 10 tàu có công suất từ 420 CV đến 535 CV chuyên đánh bắt xa bờ. Năm 2013, sản lượng khai thác thủy sản của thị trấn đạt 7.500 tấn. Năm 2014, thị trấn đặt mục tiêu sản lượng khai thác thủy sản là 7.800 tấn, trong đó khai thác biển là 7.300 tấn. Do vậy lễ cầu ngư kết hợp xuất quân đánh bắt cá vụ Nam năm nay cổ vũ mạnh mẽ tinh thần, ý chí vững chải vươn khơi bám biển của ngư dân.

Lễ hội Cầu Ngư là ngày hội lớn của cả cộng đồng, tràn đầy lạc quan và hy vọng. Lễ hội là nguồn cổ vũ cho ngư dân vùng biển Thuận An có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề sông nước, biển cả, ngày đêm đối mặt với đầu sóng ngọn gió… để ngày về tôm cá đầy khoang.

Theo thuathienhue.gov.vn

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bánh Huế (11/02/2014)