Nhịp điệu cuộc sống
Để bình yên trên phá Tam Giang
09:43 | 20/02/2014

Họ có tất thảy 14 người, từ tóc muối tiêu đến tóc xanh xuân thì. Dẫu bất kể trời nắng hay mưa, đêm hay ngày họ vẫn tự nguyện túc trực trên Phá Tam Giang (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản trước những kiểu đánh bắt tận diệt của “thủy tặc”…

Để bình yên trên phá Tam Giang
Mỗi ngày 2 chuyến, đội chống ngư tặc vẫn đều đặn tuần tra trên phá Tam Giang


Hơn 15 năm tự bỏ tiền túi bảo vệ phá

Con đường bê tông thẳng tắp đưa chúng tôi đến thôn 8, xã Điền Hải, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), nơi có đội bảo vệ thủy hải sản không lương trên phá Tam Giang. Lúc đầu thành lập (năm 1998), đội chỉ có vẻn vẹn 7 người với nhiệm vụ canh trực và truy bắt các tàu từ các thôn, xã khác đến có hành vi đánh bắt tận diệt, hủy hoại hệ sinh thái trên phá như sử dụng xung điện để đánh bắt cá tôm, cào hến, cào lươn…, sau này đội kết nạp thêm 7 thành viên khác trong thôn nữa. Trong vòng 15 năm qua, đội đã bắt giữ hàng chục vụ đánh bắt trái quy định và xung vào kho bạc nhà nước hơn 100 triệu đồng.

Nhấp vội chén nước chè đắng chát, trưởng thôn 8, ông Phan Văn Chính (50 tuổi), kể lại cho chúng tôi nghe nguyên nhân dẫn đến sự có mặt của đội bảo vệ thôn 8: “Ngày trước, trên phá Tam Giang, thủy hải sản rất nhiều và phong phú về chủng loại, vì thế muốn có thu nhập cao nhiều người dân ở các xã lân cận phá và ngay cả những người dân trong xã sử dụng nhiều cách đánh bắt tận diệt như rà cá (xung điện), cào lươn, cào hến… Chúng tôi, những người con chôn rốn và lớn lên trên mảnh đất này đau buốt lòng khi nhìn cảnh đánh bắt ồ ạt, đánh bắt như ngày mai là hết cá tôm vậy. Chính điều đó, khiến chúng tôi phải tự giác đứng ra bảo vệ, tuyên truyền để người dân hiểu, thay đổi tư duy đánh bắt…’’ .

Sau nhiều lần họp thôn bàn bạc, tâm tình kể cho nhau nghe nguyện vọng bảo vệ nguồn lợi từ con nước của quê hương, người dân tất thảy đều hưởng ứng nồng nhiệt. Mỗi hộ góp một ít tiền để sắm thuyền, đầu máy quay chân vịt, phục vụ đi lại tuần tra trên phá. Cuối cùng, người đóng góp năm ba chục, người chỉ động viên tinh thần, tất cả được 7 triệu đồng. Trong khi đó chi phí để mua phương tiện tuần tra lại gấp đôi số tiền quyên góp… “Phải làm sao? Không lẽ bắt người dân đóng góp hơn nữa trong khi họ còn khổ cực? Lẽ nào bấm bụng trả tiền lại cho dân?”. Đó là những câu hỏi luôn thường trực trong suy nghĩ của ông trưởng thôn. “Thôi thì đến mô thì đến, nhà mình còn mảnh vườn thế chấp vay tiền cũng được gần chục triệu!”, nhiều đêm bàn bạc với vợ, nghĩ ngợi như vậy, cuối cùng trưởng thôn Chính cũng tất bật cầm sổ đỏ, chứng minh… đi vay tiền mua thuyền, mua đầu máy gắn chân vịt. Trước kia, cứ mỗi tuần đội triển khai tuần tra trên phá ba lần vào các ngày thứ 3, 5, 7. Nhưng được một thời gian “thủy tặc” nắm được “ót” tuần tra của đội nên những ngày khác họ ra sức “càn phá”. Thấy như vậy không ổn đội quyết định tuần tra đột ngột không kể ngày nào, giờ nào phát hiện tàu thuyền có dấu hiệu đánh bắt trái phép là tức tốc nổ máy đi ngay. Những tàu cá bị bắt, bị tịch thu phương tiện đánh bắt, đội đều báo cáo đầy đủ, giao lại cho chính quyền xã, huyện để có biện pháp xử lí triệt để hòng lâu lâu lại dở tật cũ.

Để phục vụ công tác tuần tra tốt, người dân trong thôn tự nguyện góp tiền để mua dầu chạy thuyền và trích một phần bồi dưỡng đôi khi chỉ là gói thuốc, hộp sữa, lạng đường khi có người trong đội đau ốm. Bây giờ đội do ông Phan Thanh, công an viên thôn làm đội trưởng và thuyền trưởng là ông Phan Phước (54 tuổi) cùng 12 thành viên khác, trẻ nhất là anh Phan Tú (26 tuổi), già nhất là ông Nguyễn Tần (55 tuổi). “Những năm qua nhờ sự bảo vệ của đội bảo vệ thôn 8, những hành vi đánh bắt trái phép đã giảm hẳn, nếu không có họ chắc phá Tam Giang bây giờ đã là phá Tan Hoang rồi!”, ông Nguyễn Thiên (50 tuổi), Chi hội trưởng Hội nông dân thôn 8 nói vui.

Đội bảo vệ không lương

Thôn 8 có 103 hộ dân với 467 nhân khẩu, trong số đó có hơn 65 hộ tham gia đánh bắt thủy hải sản trên phá Tam Giang. Khoảng trong vòng năm năm trước kia người dân chỉ sử dụng sáo, nò, lưới để đánh bắt nhưng thời gian gần đây người ta sử dụng loại lừ nhập từ Trung Quốc để đánh bắt tôm cá. “Từ khi chuyển sang dùng lừ, bình quân bà con thu nhập 250.000 - 300.000 đồng mỗi ngày. Việc nhàn, công cao nhưng đổi lại các loại tôm, cá, cua nhỏ xíu trên phá đều không thoát khỏi lừ. Chú cứ tính coi, mỗi hộ từ 80 chiếc lừ (một chiếc lừ dài 10 m) trở lên thì không lâu nữa đâu cá tôm trên phá sẽ cạn kiệt mà thôi!”, ông Nguyễn Tần, thành viên của đội bảo vệ thở dài ngao ngán. Trước cách đánh bắt mới này, đội bảo vệ thôn 8 cũng đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện để tìm cách giải quyết. “Thời gian tới nghe đâu chi hội nghề cá của thôn sẽ quyết định mỗi hộ chỉ còn 40-50 chiếc lừ để phục vụ đánh bắt, như thế chúng tôi nghĩ sẽ tốt hơn rất nhiều, không những thôn chúng tôi mà những thôn khác cũng cần phải giảm số lượng lừ để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản trên phá!”, anh Nguyễn Tú chia sẻ.

Chúng tôi đặt chân về thôn 8, cũng là ngày đầu chiếc thuyền của đội bảo vệ nổ máy đi tuần tra trên phá. Trong bóng chiều muộn, chiếc thuyền mang đầu máy công suất 28 mã lực do thuyền trưởng Phan Phước đưa chúng tôi lao vun vút, lướt nhanh trên con nước phá Tam Giang… Tay điều khiển, mắt nhìn xa xăm thuyền trưởng Phước kể lại những lần đối đầu với thuyền của “thủy tặc”: “Tôi đã tham gia đội bảo vệ của thôn ngay từ những ngày đầu mới thành lập, đã từng chứng kiến đủ loại đánh bắt của “thủy tặc” và đã bắt hàng chục vụ vi phạm. Nhưng có lẽ, vụ bắt một tàu cào hến của một người dân ở thôn Điền Hòa (năm 2003) để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Buổi chiều hôm ấy, khi đi tuần tra, chúng tôi phát hiện một tàu cào hến chạy nhanh trước mặt, chúng tôi bám theo, đuổi đến tận tít địa phận của huyện khác, tàu nọ chống trả quyết liệt khiến anh Nguyễn Tần bị gãy xương sườn (thương tích 12%) và nhiều anh em trong đội bị xây xát. Cuối cùng nhờ sự phối hợp với lực lượng tuần tra của các thôn khác, công an huyện nên đã bắt được tàu cá đó”.

“Thời gian gần đây, tàu của “thủy tặc” được trang bị đầu máy công suất 33 mã lực, trong khi đó tàu tuần tra của chúng tôi đã cũ, công suất chỉ có 28 mã lực nên anh em chúng tôi rất khó đuổi kịp, nhiều lúc bất lực đứng nhìn theo những chiếc thuyền cào lươn lao vun vút của bọn săn bắt trái phép!”, ông Phan Thanh, đội trưởng đội bảo vệ thở dài. “Đội hoạt động tuần tra đã 15 năm qua thế có được hưởng trợ cấp gì không ạ?”, tôi hỏi vội. “Có mô mà có chú, bà con chúng tôi tự bỏ tiền ra phục vụ công tác tuần tra đấy chớ. Cứ một vòng tuần tra là hết hai chục ngàn tiền dầu… có ngày chạy hết 100 ngàn tiền dầu đấy chú ạ. Anh em tự bỏ công sức ra chứ có lương lá gì đâu!”, ông Phan Thanh trần tình.

Đánh giá cao thành tích hoạt động của đội bảo vệ thôn 8 trong quãng thời gian qua, năm 2012, dự án kinh tế thủy sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp áo phao, áo quần đồng phục cho đội bảo vệ. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên - Huế phụ cấp cho 200 lít dầu/năm để phục vụ cho công tác bảo vệ trên phá Tam Giang. Dù không được hưởng trợ cấp nhưng người dân ở đây vẫn sẵn sàng bỏ công sức, tiền của ra bảo vệ phá Tam Giang suốt 15 năm qua...

Nguồn tintuc.vn

 

Các bài mới
Các bài đã đăng