Nhịp điệu cuộc sống
Phập phồng theo con nước Thuận An
14:46 | 20/02/2014

Vụ chìm tàu cá xảy ra vào trung tuần tháng 1-2014 khiến 4 ngư dân thiệt mạng tại cửa biển Thuận An (thị trấn Thuận An, H. Phú Vang, TT-Huế) do cửa biển cạn, luồng vào không ổn định... chỉ là một trong những vụ tai nạn đường thủy xảy ra tại đây. Lật lại hồ sơ những vụ việc tương tự, chúng tôi thấu hiểu vì sao hàng ngàn tàu đánh bắt xa bờ, tàu hàng không dám ra khơi hay cập cảng Thuận An.

Phập phồng theo con nước Thuận An

Người dân làng chài vùng biển Thuận An vẫn chưa thôi bàng hoàng, xót xa khi nhắc lại vụ tàu cá TTH-26669 TS đang trên đường di chuyển vào bờ, khi đến cửa biển Thuận An thì bất ngờ mắc cạn, chết máy vào sáng 18-1-2014. 5 thuyền viên và con tàu đều bị nhấn chìm khiến cho 4 ngư dân trên tàu bị thiệt mạng, trong đó có một người mất tích hiện vẫn chưa tìm thấy xác. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân của vụ tàu chìm này là do cửa biển cạn dẫn đến thuyền chết máy.

Thượng tá Lê Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh TT-Huế cho biết, mấy năm trước ở cửa biển này cũng đã xảy ra vài vụ chìm tàu, tuy nhiên, vụ chìm tàu ngày 18-1 vừa qua để lại hậu quả nặng nề nhất khi có đến 4 người chết, mất tích. Theo Thượng tá Phương, cửa Thuận An hay cạn, luồng nước hay thay đổi, khá nguy hiểm. Mùa nào cũng có lúc cạn nhưng về mùa hè nếu cạn, người ta dễ nhận ra luồng hơn vì sóng ít, còn về mùa này khi cạn thì khó phát hiện ra luồng vì nước đục, sóng lớn.

Sau khi vụ tàu cá TTH-26669 bị chìm, đúng 1 tuần sau (ngày 25-1), hơn 30 chiếc tàu đánh bắt xa bờ của xã Phú Thuận, H. Phú Vang, nghe đài báo gió cấp 4, cấp 5 nên đã lấy tổn (dầu, nước đá và thực phẩm) để ra khơi. Lúc này, trời biển lặng nên Trạm Biên Phòng Thuận An đồng ý làm thủ tục cho các tàu xuất bến. Sau khi các tàu này hoàn tất thủ tục ra biển, song khi đến cửa biển buộc phải quay vào vì cửa biển cạn. Ông Ngô Đức Cư, một chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phú Thuận chua xót: “Đứng ở bãi ngang, nhìn ra ngoài khơi thấy tàu bè các tỉnh bạn đang đánh bắt mà thấy thèm nhưng tàu mình không thể ra biển được vì giữa cửa biển xuất hiện một cồn cạn nên không dám đi”.

Ông Cư nói, theo quy luật, nếu tàu chạy gặp ngay cồn cạn thì sẽ chết máy. Và khi chết máy mà gặp sóng lớn thì tàu sẽ bị đánh chìm. Như vậy, ngoài tàu ông Cư, hàng chục tàu đánh bắt xa bờ khác sau khi xuống tổn vào ngày 25-1 nhưng vẫn không thể ra khơi. “Mỗi lần bốc tổn đi biển nhưng ra đến cửa phải quay lại, người làm nghề biển kiêng lắm. Ngoài ra, tàu nào cũng lỗ vài ba triệu đồng nhưng cũng đành chấp nhận”, chủ tàu Ngô Đức Tâm chia sẻ.

Thượng tá Nguyễn Đăng Tâm, Trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An cho biết, nếu thời tiết cấp 6, cấp 7, thì các tàu trong và ngoại tỉnh muốn vào cảng cá TT-Huế thì lực lượng BĐBP tỉnh thường hướng dẫn các tàu thuyền nên vào cảng Chân Mây (H. Phú Lộc).

TÀU SẮT TRÊN 600 TẤN KHÔNG VÀO ĐƯỢC

Theo Thượng tá Tâm, sau cơn bão số 14 (tháng 12-2013), luồng nước ở cửa biển Thuận An thay đổi 2 lần. Nếu trước tháng 11-2013, hướng luồng đi về phía Bắc thì chỉ sau đó 1 tháng đã xuất hiện luồng đi mới theo hướng Đông- Bắc chệch về cửa biển Thuận An. Thời điểm này, do cửa biển nguy hiểm nên Cục Đảm bảo hàng hải chưa thả phao có nghĩa là các tàu sắt chở hàng không được phép ra vào cửa biển này. Đến đầu tháng 1-2014, sau khi khảo sát luồng, Cục Đảm bảo Hàng hải đã thả phao, có nghĩa là tàu sắt vào được nhưng chỉ với tàu có độ cao 2,5 m.

Như vậy, từ thời điểm đó đến nay, cảng Thuận An chỉ đón 2 tàu sắt chở hàng vào cập cảng, đó là tàu Huế 18 và Đông Hải 02. Trong đó, tàu Đông Hải 02 chở 1.000 tấn than từ Quảng Ninh vào Huế để nhập hàng. Nhưng với luồng cửa biển vào thời điểm này, chỉ có tàu chở 400 tấn mới vào được, tàu Đông Hải 2 đành phải cập cảng Chân Mâybốc 600 tấn than, còn lại 400 tấn mới dám vào cảng Thuận An. Như vậy, nếu trước đây, thay vì tàu này vào cập Cảng Thuận An thì nay phải cập cảng Chân Mây, bốc bớt hàng mới cập cảng Thuận An nên rất mất thời gian cũng như tốn kém nhiều chi phí.

Theo Thượng tá Nguyễn Đăng Tâm hiện các tàu sắt chở hàng đều chở hơn 1.000 tấn. Chính vì vậy, nếu cồn cạn và luồng vào không ổn định kéo dài thì sẽ không có tàu thương mại cập cảng Thuận An. Một doanh nghiệp chuyên nhận hàng ở cảng Thuận An cho biết, khoảng 5- 7 năm về trước, mỗi ngày Cảng Thuận An có hơn chục lượt tàu sắt cập Cảng nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng đó rất hiếm vì cửa biển cạn và hẹp nên tàu không dám vào. Và, thực tế, gần 4 tháng qua, chỉ có 2 tàu sắt cập cảng. Theo tìm hiểu, mặt hàng xuất đi tại Cảng Thuận An chủ yếu là titan và bột sắn; còn hàng nhập về là than. Việc tàu thương mại không vào cập cảng Thuận An không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của địa phương mà nhiều người bán buôn ở khu vực gần đó cũng bỏ nghề.


Nguồn CAND

 

Các bài mới
Các bài đã đăng