Ở Huế, có một thứ nghề mưu sinh nhọc nhằn và nguy hiểm, nhưng lại chẳng được mấy người biết đến, ấy là nghề lặn ốc đáy sông.
Bến Đập Đá, đường Lê Lợi, TP Huế là một trong những bến chính cung cấp ốc cho toàn thành phố và các vùng phụ cận như Lăng Cô, Đà Nẵng. Chỉ tính riêng bến này có khoảng 30 chiếc ghe làm nghề lặn ốc với trên 60 lao động, chủ yếu người làng Phú Mậu. Hằng ngày, mỗi ghe lặn được khoảng 100kg ốc, chủ yếu là ốc hút, số ít còn lại là ốc bươu. Ốc hút giá tại bến là 3 nghìn/kg, ốc bươu 2 nghìn/kg.
Tôi đến bến khi cái nắng đã bắt đầu dịu bớt, Huế đã đổ sang chiều. Mỗi ngày, tầm lúc 3 giờ như thế này là bến Đập Đá lại sôi động vô cùng vì những thuyền ốc sẽ về bến, mang theo thành quả một ngày căng cơ trầm mình dưới đáy sông làm việc của những người mưu sinh bằng nghề nguy hiểm: lặn, mò ốc đáy sông.
Khác với nghề chài lưới, đánh bắt tôm cá, chỉ đi trên ghe, thả lưới, châm điện, nghề lặn ốc đặc thù chỉ có lặn dưới đáy sông, thế nên những người làm nghề mới hay tếu táo gọi là nghề "trầm mình". Những người làm nghề này hằng ngày đi từ 3 giờ sáng đến 3 giờ chiều mới về. Buổi trưa họ sẽ ăn luôn trên ghe, có gì ăn nấy. Cứ theo con ốc, ở đâu có nhiều ốc thì đến lặn, ở đâu ít thì lại đi. Như xưa chủ yếu họ làm ở khúc sông Hương, nay đôi khi phải ra tới gần biển Thuận An, đi tới Cầu Hai, Phá Tam Giang mới có.
Mỗi lần đi lặn ốc thường phải có hai người, đi thuyền đến nơi định lặn. Một người ngồi trên thuyền chờ ốc, một người lặn xuống sông dùng vợt cào ốc đưa lên. Chuyện có người bị nạn khi mò ốc đã không còn là sự lạ, nó được nhắc hàng ngày trong những câu chuyện ở làng Phú Mậu, sau mỗi buổi lặn ốc về.
O Hồng, một người làng, đi làm nghề bám sông lặn ốc cũng hơn 30 năm nói chuyện với chúng tôi: “Làm nghề ni làm quanh năm, trừ lũ lụt, bão mới nghỉ còn nắng cháy, mưa to vẫn đi làm. Suốt ngày bán mặt, bán lưng dưới đáy sông, cực khổ rứa đó nhưng mong trời yên, bể lặng để có thu nhập lo cho mấy đứa nhỏ. Bữa nào trời cho trúng mánh lặn được nhiều ốc thì được hơn 3 trăm ngàn, ngày lặn ít thì chưa tới 2 trăm, trừ chi phí xăng cộ, mỗi ngày lời cũng hơn trăm nghìn.”
Lao động cực nhọc, đồng tiền mang về chẳng đáng là bao, nhưng họ còn phải đối mặt với nguy hiểm cận kề, có thể trở thành nạn nhân của Hà Bá, hay mang những "bệnh nghề nghiệp trong người".
Anh Minh, một người đàn ông cũng có thâm niên làm nghề này khá lâu kể lại tai nạn của mình: “Hồi tháng trước, tôi với vợ bơi ghe xuống Cầu Hai, khi tới gặp phải vùng nước xoáy, nước chảy mạnh, tôi đang lặn ở dưới sau mấy chục phút không lên được, nhà tôi tưởng mất chồng, khóc như ngất. May mà trời thương mấy đứa nhỏ không bắt tôi xuống làm bạn với hà bá. Vùng vẫy miết, với cộng thêm kinh nghiệm bơi lội từ nhỏ nên tôi thoát chết. Sợ quá nghỉ mấy ngày nhưng mà chẳng biết làm gì khác nên lại phải làm bạn với sông nước thôi”. Anh Minh tiếp: “Ở làng này, Tháng trước, anh Tuấn mới vào nghề chưa có kinh nghiệm, ghe lật mấy ngày sau mới tìm thấy xác. Có người ham lặn chỗ sâu quá, khi ngoi lên bờ miệng trào máu ra, tắt thở chết. Nhiều người lặn lâu năm rơi vào tình trạng điếc đặc. Thế nên những người như tôi chỉ cầu mong trời yên bể lặng để tập trung làm ăn hòng dành được ít vốn rồi chuyển nghề".
Khi tôi chia tay những người thợ lặn làng Phú Mậu ra về, có người nói vọng lại "Ốc lặn mò riêt rồi cũng hết. Nhà nhà, người người đều đi làm cái nghề ni thì ốc đâu mà mò"... lòng tôi thoáng chút xót xa, cay đắng khi nghĩ đến những bát ốc thơm lừng mỗi ngõ hèm Cố Đô.
Nguồn infonet.vn